Hiện nay, quy định về đấu giá đất còn nhiều kẽ hở, gây bất ổn tại các huyện ven đô. Nhằm hạn chế tình trạng trục lợi từ đấu giá đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra 6 giải pháp để ngăn chặn. Chi tiết về các giải pháp cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Nhiều kẽ hở còn tồn tại khiến đấu giá đất liên tục bất ổn?
Vừa qua, sau đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn, 5 người đã bị tạm giữ vì có dấu hiệu sai phạm liên quan việc trả giá đến 30 tỷ đồng một m2. Nhóm này “nâng giá cao chót vót” rồi bỏ ngang khiến phiên bất thành. Không chỉ Sóc Sơn, hiện tượng đấu giá cao rồi bỏ cọc còn tràn lan rộng ở các huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Quốc Oai… trong vài tháng gần đây. Các phiên đấu giá này thường có điểm chung là giá trúng được đẩy cao kỷ lục nhưng sau đó bị bỏ cọc hoặc không hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Nguyên nhân chính được cho là do mức tiền đặt cọc thấp và giá khởi điểm quá thấp. Sau khi Nghị định 71 (hướng dẫn Luật Đất đai 2024) có hiệu lực, Hà Nội đã dừng việc thuê tư vấn định giá và bỏ ủy quyền xác định hệ số điều chỉnh (K). Giá khởi điểm hiện nay được tính theo bảng giá đất cũ từ năm 2020, vốn thấp hơn giá thị trường rất nhiều, chỉ từ vài triệu đồng/m2. Điều này tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tham gia đấu giá với chi phí đặt cọc không đáng kể.
Bên cạnh đó, phương thức tổ chức đấu giá nhiều vòng, phổ biến ở các huyện, vô tình tạo cơ hội cho việc thông đồng, thao túng giá. Quy trình này cho phép người tham gia trả giá qua nhiều vòng, với bước giá chỉ 3-6 triệu đồng. Tuy nhiên, những vòng đấu giá sau thường xảy ra tình trạng thông đồng nâng giá hoặc trả giá cao rồi bỏ cọc. Tức là các bên tham gia có thể gặp nhau để bàn bạc, thỏa thuận về mức giá hay một số đối tượng trả giá cao ở vòng trước, sau đó bỏ ngang hoặc điền phiếu không hợp lệ ở vòng sau để tránh mất tiền cọc.
Chính những kẽ hở trong cách tính giá khởi điểm và tổ chức đấu giá đang tạo điều kiện cho các nhóm đầu cơ thao túng thị trường. Bằng cách đẩy giá đất lên cao rồi bỏ cọc hoặc chốt lời nhanh, họ gây bất ổn cho thị trường. Lợi nhuận từ việc chênh lệch giá có thể lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi lô, khiến nhiều đối tượng tham gia với mục đích “lướt sóng”, làm mất đi tính minh bạch của đấu giá.
6 giải pháp giúp hạn chế trục lợi từ đấu giá đất
Tại Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã đề xuất 6 giải pháp nhằm khắc phục các bất cập trong đấu giá đất, đặc biệt là tình trạng trục lợi. Những giải pháp này bao gồm:
– Thực hiện nghiêm quy định pháp luật: Các địa phương phải tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Đấu giá tài sản, Luật Giá, và Luật Đất đai 2024, đảm bảo quy trình đấu giá diễn ra đúng luật và minh bạch.
– Công khai minh bạch quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất: Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị tại các khu vực đấu giá đất cần được công khai rộng rãi. Điều này giúp ngăn chặn hành vi lợi dụng thông tin không minh bạch để thao túng giá.
– Điều chỉnh giá khởi điểm sát thực tế: Bảng giá đất cần được điều chỉnh hợp lý, đặc biệt với các khu vực đã được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Nhiều địa phương hiện nay vẫn áp dụng giá khởi điểm thấp khi chưa cập nhật giá trị thực tế sau đầu tư, tạo khoảng trống cho việc trục lợi.
– Đảm bảo nguồn cung đất ở hợp lý: Tăng cường các biện pháp cân đối cung cầu trên thị trường bất động sản. Việc thiếu nguồn cung đất ở phù hợp sẽ khiến giá đất bị đẩy lên cao, tạo điều kiện cho các nhóm đầu cơ trục lợi.
– Quy định thời gian nộp tiền và công khai trường hợp bỏ cọc: Cần rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá nhằm giảm tình trạng kéo dài, tạo cơ hội cho những hành vi bất chính. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền nên công khai danh sách các trường hợp bỏ cọc để minh bạch thông tin và ngăn ngừa hành vi trục lợi.
– Tăng cường thanh tra và xử lý nghiêm vi phạm: Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá đất. Các vi phạm phải được xử lý nghiêm minh nhằm tạo tính răn đe và bảo đảm sự công bằng trong thị trường bất động sản.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng nhấn mạnh rằng, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, những bất cập trong hoạt động đấu giá đất, đặc biệt tại các huyện vùng ven Hà Nội, sẽ được khắc phục. Đồng thời, những hành vi lợi dụng và trục lợi từ đấu giá đất sẽ bị triệt tiêu, góp phần ổn định thị trường bất động sản.
Người đấu giá đất cao rồi bỏ cọc có thể bị xử lý hình sự
Theo Điều 69 của Luật Đấu giá tài sản, các hành vi vi phạm trong quá trình đấu giá sẽ bị xử lý tùy theo mức độ, bao gồm:
– Mất tiền đặt cọc: Người tham gia đấu giá bỏ cọc, không thực hiện nghĩa vụ tài chính sau khi trúng đấu giá sẽ bị mất toàn bộ số tiền đặt trước.
– Xử phạt hành chính: Người vi phạm có thể bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng nếu bị phát hiện có hành vi:
+ Thông đồng, móc nối với tổ chức hoặc người có tài sản đấu giá để dìm giá.
+ Làm sai lệch thông tin, hồ sơ hoặc kết quả đấu giá tài sản.
+ Mức phạt này được quy định tại Điều 24 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, áp dụng trong trường hợp chưa đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Xử lý hình sự: Nếu hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm, người tham gia đấu giá có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 218 Bộ luật Hình sự về tội “Vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản.”
>> 17 hành vi môi giới bất động sản sẽ không được làm
Như vậy, các hành vi như cố tình đẩy giá cao, thao túng hoặc gây bất ổn trong quá trình đấu giá nhằm trục lợi từ đấu giá đất đều có thể bị xử lý nghiêm khắc theo luật, thậm chí là xử lý hình sự. Bạn đọc và nhà đầu tư nên lưu ý điều này để có thể tham gia đấu đất hiệu quả và văn minh. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào hoặc muốn nhận tư vấn đầu tư bất động sản sinh lời cao trực tiếp từ diễn giả, nhà huấn luyện chiến lược đầu tư BĐS Rich Nguyen, quý khách hàng vui lòng liên hệ:
RICH NGUYEN ACADEMY
Địa chỉ: Tòa C5 D’capitale, số 119 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội
Hotline: 1900 999979
Email: info.richnguyen@gmail.com
Website: https://richnguyen.vn/
Facebook: Rich Nguyen Academy