Mới đây, Chính phủ đã cho ban hành Nghị định 03/2025/NĐ-CP nhằm quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất. Một trong những quy định đáng chú ý của Nghị định này là nhà đất công bị thu hồi nếu không sử dụng liên tục quá 12 tháng.
Mục lục
Quy định các trường hợp nhà đất công bị thu hồi từ 1/1/2025
Trong nội dung của Nghị định 03/2025/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định rất rõ về việc thu hồi nhà, đất công. Cụ thể, theo khoản 1, Điều 11 của Nghị định 03/2025/NĐ-CP, việc thu hồi nhà, đất công sẽ được áp dụng với các trường hợp sau:
– Không sử dụng liên tục quá 12 tháng: Nhà, đất không sử dụng liên tục quá 12 tháng, trừ trường hợp đang triển khai thủ tục để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật mà không thuộc trường hợp thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai;
– Sử dụng sai mục đích: Nhà, đất được tặng cho, góp vốn, cho mượn, cho thuê, liên doanh, liên kết, hoặc sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định pháp luật cũng thuộc diện thu hồi. Trừ trường hợp nhà, đất liên quan đến vụ việc đã được Tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý.
– Sử dụng không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng: Nhà, đất sử dụng không hiệu quả hoặc không còn nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ cũng sẽ bị thu hồi.
Nghị định 03/2025/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025. Do đó, quy định các trường hợp nhà đất công bị thu hồi khi không sử dụng quá 12 tháng sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 1/1/2025.
Lưu ý rằng, quy định này sẽ không áp dụng với các trường hợp đang tiến hành thủ tục để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật mà không thuộc trường hợp thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.
5 hình thức sắp xếp, xử lý lại nhà, đất công theo Nghị định 03
Theo Nghị định 03/2025/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định rõ 5 hình thức được áp dụng để sắp xếp và xử lý lại nhà, đất công, cụ thể như sau:
Hình thức thu hồi
Hình thức này được áp dụng trong các trường hợp nhà, đất không được sử dụng liên tục trên 12 tháng hoặc bị sử dụng sai mục đích như tặng cho, góp vốn, cho mượn, cho thuê, liên doanh, liên kết trái quy định. Ngoài ra, các trường hợp sử dụng nhà, đất không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ cũng thuộc diện thu hồi.
Hình thức giữ lại tiếp tục sử dụng
Nhà, đất được giữ lại nếu đang sử dụng phù hợp với mục đích được Nhà nước giao, cho thuê hoặc chuyển đổi công năng sử dụng đúng quy định. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sở hữu nhà, đất phải đảm bảo quản lý và sử dụng tài sản này tuân thủ pháp luật về quản lý tài sản công, đất đai và các quy định liên quan.
Hình thức điều chuyển
Việc điều chuyển được áp dụng trong các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và thực hiện khi xác định được cụ thể đối tượng tiếp nhận.
Trường hợp điều chuyển sang doanh nghiệp, chỉ áp dụng với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để làm văn phòng làm việc. Không được điều chuyển nhà, đất sang doanh nghiệp nhằm mục đích xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản hoặc các mục đích không phù hợp.
Hình thức chuyển gia về địa phương quản lý, xử lý
Chuyển giao nhà, đất được áp dụng khi tài sản thuộc trung ương hoặc địa phương khác quản lý nhưng không còn nhu cầu sử dụng, hoặc được giao làm nhà ở không đúng thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Nhà, đất cần đảm bảo có khuôn viên độc lập, có thể tách biệt và có lối đi riêng để chuyển giao về UBND cấp tỉnh hoặc các cơ quan chức năng tại địa phương quản lý theo quy định pháp luật.
Hình thức tạm giữ lại tiếp tục sử dụng
Hình thức này được áp dụng đối với nhà, đất quy định tại khoản 1, điểm c khoản 4 Điều 15 Nghị định 03/2025/NĐ-CP này. Sau khi hoàn thành việc di dời, chấm dứt việc sử dụng nhà, đất không đúng quy định thì cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định này.
>> Giải đáp có nên đầu tư shophouse năm 2025 không?
Quy định thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất
Nghị định 03/2025/NĐ-CP đã quy định rõ ràng và cụ thể thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất, nhằm đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và đúng quy định pháp luật trong quản lý tài sản công. Cụ thể:
– Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý đối với nhà, đất điều chuyển từ các bộ, cơ quan trung ương, địa phương sang Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà đất chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng hoặc đất an ninh. Việc phê duyệt thực hiện dựa trên đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh có liên quan. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý đối với nhà, đất điều chuyển từ các cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội sang các đối tượng khác (ngoài phạm vi các cơ quan, tổ chức kể trên). Việc này được thực hiện dựa trên đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan liên quan.
– Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất được điều chuyển giữa các bộ, cơ quan trung ương, giữa trung ương và địa phương, hoặc giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thẩm quyền này không bao gồm các trường hợp điều chuyển thuộc phạm vi quy định của Thủ tướng Chính phủ.
– Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý. Việc này không bao gồm các trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đối với các tổ chức như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội hoặc các tổ chức nghề nghiệp, việc phê duyệt cần có ý kiến thống nhất từ Thường trực Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường trực của tổ chức đó.
– UBND cấp tỉnh có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị do địa phương quản lý. Điều này bao gồm cả trường hợp nhà, đất của cơ quan thuộc địa phương quản lý nhưng nằm trên địa bàn của địa phương khác. Tuy nhiên, các trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ không nằm trong phạm vi này.
Trên đây là quy định mới nhất về nhà đất công bị thu hồi khi không sử dụng liên tục trên 12 tháng. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào hoặc muốn nhận tư vấn đầu tư bất động sản sinh lời cao trực tiếp từ diễn giả, nhà huấn luyện chiến lược đầu tư BĐS Rich Nguyen, quý khách hàng vui lòng liên hệ:
HỌC VIỆN RICH NGUYEN
Địa chỉ: Tòa C5 D’capitale, số 119 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội
Đường dây nóng: 1900 999979
Email: info.richnguyen@gmail.com
Trang web: https://richnguyen.vn/
Facebook: Học viện Rich Nguyen