Tính đến ngày 20/3/2025, TP.HCM đã nhận được đề xuất triển khai 303 dự án nhà ở thương mại từ 256 doanh nghiệp theo cơ chế thí điểm. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp bất động sản đối với chính sách mới.
Tín hiệu tích cực từ cơ chế thí điểm nhà ở thương mại

Nhằm triển khai Nghị quyết 171/2024/QH15 của Quốc hội về thí điểm phát triển nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận quyền sử dụng đất, ngày 5/11/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã đề nghị các doanh nghiệp bất động sản rà soát, thống kê danh sách dự án. Đến ngày 20/3/2025, thành phố đã ghi nhận 256 doanh nghiệp đề xuất triển khai 303 dự án theo cơ chế thí điểm.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của doanh nghiệp đối với chính sách mới. Cơ chế thí điểm này được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ điểm nghẽn, tăng nguồn cung nhà ở, đặc biệt là nhà ở thương mại, trong bối cảnh thị trường khan hiếm. Tuy nhiên, nhiều rào cản pháp lý vẫn tồn tại, gây khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương trong quá trình triển khai các dự án nhà ở thương mại.
Những rào cản lớn với các dự án nhà ở thương mại tại TP. Hồ Chí Minh

Hiện nay, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã tập hợp những “điểm nghẽn” trong triển khai các dự án nhà ở thương mại và gửi kiến nghị chính thức lên Chính phủ thông qua văn bản số 39/2025/CV-HoREA ngày 21/3/2025. Những rào cản này chủ yếu liên quan đến pháp lý, cơ chế thí điểm và quy định về doanh nghiệp cổ phần hóa, gây khó khăn trong việc thực hiện các dự án bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh.
Một trong những rào cản lớn nhất là vấn đề pháp lý liên quan đến loại đất và thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, nhiều khu đất quốc phòng – an ninh đã được quy hoạch chuyển đổi nhưng chưa bàn giao về địa phương, dẫn đến tình trạng thiếu hướng dẫn xử lý rõ ràng. Trong khi Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có thể trực tiếp triển khai dự án phục vụ lực lượng vũ trang, Dự thảo Nghị định lại yêu cầu các khu đất này phải gửi danh sách về UBND tỉnh để rà soát và đánh giá, tạo nên sự chồng chéo, làm chậm tiến độ thực hiện. Trước bất cập này, HoREA kiến nghị sửa đổi theo hướng cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh chỉ cần tổng hợp thông tin để đưa vào danh mục dự kiến, thay vì phải rà soát lại. Đồng thời, việc lựa chọn nhà đầu tư và phê duyệt chủ trương đầu tư nên do Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an quyết định nhằm đảm bảo tính thống nhất với Nghị quyết 171.
Bên cạnh đó, quy định trong cơ chế thí điểm cũng đặt ra nhiều hạn chế. Theo quy định hiện hành, diện tích đất ở trong các dự án tham gia thí điểm không được vượt quá 30% tổng quỹ đất. Trong trường hợp có nhiều dự án cùng thứ tự ưu tiên, chỉ những dự án chỉnh trang đô thị mới được xét duyệt, gây bất lợi cho các địa phương có định hướng phát triển nhà ở thương mại giá rẻ hoặc trung cấp. Do đó, HoREA đề xuất UBND cấp tỉnh cần được trao quyền xác định tiêu chí ưu tiên phù hợp với đặc thù từng địa phương và trình HĐND cấp tỉnh thông qua. Việc này sẽ giúp các địa phương có sự linh hoạt hơn trong quy hoạch, tránh tình trạng áp đặt từ cấp trung ương.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước dù đang sở hữu quỹ đất có nguồn gốc nhà nước và có chức năng kinh doanh bất động sản nhưng chưa được quy định rõ trong danh mục ưu tiên triển khai. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp có tiềm lực và quỹ đất sẵn có bị loại khỏi cơ chế thí điểm. Để khắc phục, HoREA đề nghị bổ sung quy định cho phép các công ty cổ phần này được xem xét triển khai dự án, đặc biệt với các khu đất cần di dời do ô nhiễm, quy hoạch hoặc đã cổ phần hóa theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, cần bổ sung cơ chế ưu tiên theo thời điểm nộp hồ sơ trong trường hợp có nhiều dự án cùng thứ tự nhưng vượt quá tỷ lệ giới hạn. Đây là biện pháp minh bạch, dễ thực hiện và khuyến khích doanh nghiệp chủ động chuẩn bị kỹ hồ sơ.
Theo Chương trình phát triển nhà ở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025, Thành phố cần tăng thêm 50 triệu m² diện tích sàn nhà ở, hướng đến mức bình quân 23,5m²/người. Tuy nhiên, đến tháng 12/2024, TP. Hồ Chí Minh mới đạt gần 28,87 triệu m² sàn, tương đương 22,6m²/người, chỉ hoàn thành 72% chỉ tiêu của Thành phố và 57% mục tiêu chương trình phát triển nhà ở.
Trước thực trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại giá hợp lý, việc tháo gỡ rào cản pháp lý trong cơ chế thí điểm là giải pháp cấp thiết để khơi thông dòng chảy đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và góp phần ổn định thị trường bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh. Trên đây là tin tức hơn 300 khu đất được đề xuất làm nhà ở thương Mại tại TP. Hồ Chí Minh, hy vọng đã mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích.
Để nhận tư vấn đầu tư bất động sản sinh lời cao trực tiếp từ diễn giả, nhà huấn luyện chiến lược đầu tư BĐS Rich Nguyen, quý khách hàng vui lòng liên hệ:
RICH NGUYEN ACADEMY
Địa chỉ: Tòa C5 D’capitale, số 119 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội
Hotline: 1900 999979
Email: info.richnguyen@gmail.com
Website: https://richnguyen.vn/
Facebook: Rich Nguyen Academy