Giá vật liệu xây dựng bất ngờ tăng “nóng” tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây, kéo theo hàng loạt hệ lụy cho ngành xây dựng và thị trường bất động sản. Trong The Rich Show số 76, chuyên gia Rich Nguyen và chuyên gia Trần Đạt sẽ phân tích, giải mã nguyên nhân khiến giá vật liệu xây dựng tăng nóng và những tác động tới thị trường BĐS.
The Rich Show số 76: Giá vật liệu xây dựng tăng nóng và những tác động tới thị trường BĐS
Giá vật liệu xây dựng vẫn tăng nóng sau công điện số 85
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện số 85 yêu cầu Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện các giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng. Mục tiêu là kiểm soát tình trạng đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, đảm bảo không ảnh hưởng đến các công trình trọng điểm và tiến độ giải ngân đầu tư công.
Công điện nêu rõ, hiện nay, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được đồng loạt triển khai và đẩy nhanh tiến độ. Nhiều công trình dân sinh, nhà ở của người dân, các dự án nhà ở, bất động sản tại nhiều địa phương cũng được xây dựng thể hiện quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, giá một số mặt hàng Vật liệu xây dựng, đặc biệt các loại cát, sỏi, đá, gạch, vật liệu san nền, đắp nền đường… tăng cao bất thường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí xây dựng, tiến độ thi công công trình.
Nhận định nguyên nhân khiến giá vật liệu tăng nóng và tác động tới thị trường BĐS
Chuyên gia Trần Đạt chia sẻ, thực tế tại các địa phương của Hà Nội, giá cát xây dựng hiện dao động từ 400.000 đến 500.000 đồng/m³; cát vàng lên tới gần 1 triệu đồng/m³; cát đen san lấp cũng đã vượt mốc 300.000 đồng/m³. Ở Hưng Yên, chỉ trong vòng một tuần, giá cát vàng tăng hơn 63%, từ 550.000 lên đến 900.000 đồng/m³. Tại Quảng Nam, cát xây dựng tăng gần gấp đôi so với năm 2024, dao động từ 600.000–700.000 đồng/m³. Các tỉnh như Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hòa Bình cũng ghi nhận mức tăng từ 30% đến 100%, thậm chí vượt cả khung giá trần công bố bởi cơ quan chức năng.
Không chỉ cát, giá xi măng cũng tăng mạnh. Từ tháng 1 đến tháng 6/2025, nhiều thương hiệu lớn như Vicem Bỉm Sơn, Hoàng Mai, Tân Thắng đã điều chỉnh giá bán ba lần, mỗi lần từ 50.000 đến 100.000 đồng/tấn. Giá thép cũng không nằm ngoài xu thế này. Thép cuộn Việt Đức, thép Hòa Phát Hưng Yên đều tăng thêm từ 150.000 đến 200.000 đồng/tấn. Giá gạch, một trong những mặt hàng thiết yếu cho công trình dân dụng, tăng gần gấp đôi tại nhiều khu vực. Ở Hưng Yên, từ mức 1.000 đồng/viên, giá gạch đã vọt lên 1.850–1.900 đồng/viên; tại Hòa Bình, mức tăng tương tự được ghi nhận. Đây là những mức giá cao nhất trong gần một thập kỷ.
Theo chuyên gia Rich Nguyen, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tăng giá đột biến của vật liệu xây dựng trong nửa đầu năm 2025. Đầu tiên là nhu cầu tăng cao do cao điểm thi công các dự án đầu tư công, đặc biệt là cao tốc Bắc – Nam, metro, và các tuyến hạ tầng trọng điểm. Thứ hai là thiếu hụt nguồn cung, do nhiều mỏ khai thác vật liệu đã hết hạn, trong khi quy trình cấp phép mới lại rất phức tạp, bị kiểm soát chặt chẽ về mặt môi trường và pháp lý. Thứ ba là sự thao túng thị trường, khi một số doanh nghiệp hoặc nhóm lợi ích đầu cơ, găm hàng, tạo ra sự khan hiếm giả để đẩy giá lên. Cuối cùng là chi phí đầu vào tăng mạnh – bao gồm giá điện, xăng dầu và logistics – khiến giá thành sản xuất gạch, xi măng, thép… bị đẩy lên cao.
Việc giá vật liệu xây dựng tăng cao tạo ra ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ chuỗi giá trị bất động sản. Theo Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, chi phí vật liệu thường chiếm 60–70% tổng chi phí một công trình. Trong đó, riêng thép đã chiếm 15–30% tùy theo loại hình xây dựng (chung cư hay nhà liền kề). Khi chi phí đầu vào tăng mạnh, giá bất động sản cũng phải tăng theo, khiến người dân khó tiếp cận nhà ở, đặc biệt là các phân khúc nhà giá rẻ và nhà ở xã hội – nơi chịu ràng buộc bởi trần giá bán.
Không dừng lại ở đó, các hợp đồng xây dựng cố định trước đó không thể đáp ứng chi phí mới, dẫn đến đình trệ tiến độ hoặc phải điều chỉnh lại tổng dự toán. Nhiều chủ đầu tư phải xin điều chỉnh chính sách, làm chậm tiến độ giao nhà và ảnh hưởng tới niềm tin của người mua. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại rơi vào thế khó: giá vốn tăng, thanh khoản giảm, khó khăn trong huy động vốn, dòng tiền bị ảnh hưởng nặng nề.
Một hệ lụy nghiêm trọng khác được chuyên gia Rich Nguyễn chỉ ra là việc chậm tiến độ các dự án hạ tầng đô thị do thiếu vật liệu có thể khiến thị trường bất động sản vùng ven, vệ tinh bị “nghẽn mạch”. Nhiều khu vực kỳ vọng sẽ tăng giá đất nhờ hạ tầng bứt phá, nhưng nếu tiến độ thi công bị chậm lại 6 tháng hoặc cả năm thì sẽ khiến tâm lý đầu tư bị ảnh hưởng, dòng vốn chững lại và kỳ vọng tăng giá cũng không còn. Đây là hệ quả gián tiếp nhưng có ảnh hưởng dài hạn tới thị trường.
Trước tình hình nghiêm trọng, Chính phủ đã vào cuộc với hai giải pháp đồng bộ:
– Thứ nhất là tăng nguồn cung vật liệu. Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường và các địa phương tổ chức rà soát, quy hoạch lại các mỏ vật liệu, đẩy nhanh cấp phép khai thác, mở rộng phạm vi cho phép khai thác khoáng sản nhóm B, đồng thời cho phép nhà thầu các dự án trọng điểm được khai thác trực tiếp. Chính phủ cũng yêu cầu cắt giảm thủ tục hành chính, rút gọn thời gian xử lý hồ sơ, cấp lại giấy phép khai thác hết hạn.
– Thứ hai là bình ổn giá và chống thao túng thị trường. Các bộ, ngành và địa phương được yêu cầu tăng cường thanh tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá. Đồng thời, yêu cầu công khai chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng định kỳ hàng tháng hoặc sớm hơn khi có biến động lớn, nhằm đảm bảo các nhà đầu tư có căn cứ điều chỉnh dự toán phù hợp và kịp thời, tránh gây đình trệ trên diện rộng.
Như vậy, giá vật liệu tăng không chỉ là vấn đề nội tại của ngành xây dựng mà là vấn đề mang tính vĩ mô, ảnh hưởng trực tiếp đến giấc mơ an cư của người dân, sự ổn định của thị trường bất động sản và tiến độ phục hồi kinh tế quốc gia. Chính phủ cần vào cuộc mạnh mẽ, kiểm soát từ gốc, đảm bảo thị trường minh bạch, nguồn cung dồi dào và giá cả hợp lý. Để hiểu hơn về nguyên nhân khiến giá vật liệu tăng nóng và tác động tới thị trường BĐS, quý độc giả vui lòng nhấn xem thêm video The Rich Show số 76 bên trên.
Nhấn theo dõi kênh YouTube RICH NGUYEN ngay hôm nay để không bỏ lỡ bất kỳ tập phát sóng mới nhất nào của The Rich Show!
Mọi thắc mắc hoặc muốn nhận tư vấn đầu tư bất động sản sinh lời cao trực tiếp từ diễn giả Rich Nguyen, quý khách hàng vui lòng liên hệ:
RICH NGUYEN ACADEMY
Địa chỉ: Tòa C5 D’capitale, số 119 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội
Hotline: 1900 999979
Email: info.richnguyen@gmail.com
Website: https://richnguyen.vn/
Facebook: Rich Nguyen Academy