UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Quyết định ban hành quy định xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, căn cứ theo khoản 3 Điều 178 Luật Đất đai. Dự thảo này đề xuất cụ thể các loại công trình được phép xây dựng trên đất nông nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất thực tiễn và quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất.
Vì sao cần ban hành quy định xây dựng công trình trên đất nông nghiệp?

Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân tại các quận, huyện của Hà Nội đã tự ý xây dựng các loại công trình trên đất nông nghiệp như: nhà kho, nhà sơ chế nông sản, nhà điều hành, chuồng trại, nhà lưới, nhà màng, đường nội bộ…
Tỷ lệ xây dựng dao động từ 2,5% đến 27,25%, riêng các công trình như chuồng trại, nhà màng, nhà lưới có thể lên tới 100%. Trong đó, có 753 cơ sở có diện tích từ 1 – 5 ha, 32 cơ sở từ 5 – 10 ha và 20 cơ sở trên 10 ha. Trước thực trạng này, việc ban hành quy định thống nhất là rất cần thiết để vừa hỗ trợ sản xuất, vừa đảm bảo quản lý đất đai hiệu quả.
Nhằm đáp nhu cầu xây dựng công trình trên đất nông nghiệp phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp của người dân, việc xây dựng và ban hành quy định về xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội là cần thiết.
Những điều kiện bắt buộc đối với công trình xây dựng trên đất nông nghiệp
Theo dự thảo, công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại Hà Nội phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
– Không ảnh hưởng đến hạ tầng hiện hữu như hệ thống thủy lợi, đê điều, giao thông nội đồng hoặc đất liền kề.
– Chỉ được xây dựng 1 tầng, không có tầng hầm, sử dụng vật liệu dễ tháo dỡ.
– Không được san lấp mặt nước hoặc làm thay đổi dòng chảy, diện tích bề mặt và tầng nước nếu xây dựng trên đất có mặt nước.
– Có phương án sản xuất nông nghiệp được UBND cấp xã chấp thuận trước khi thi công.
– Phù hợp với pháp luật về xây dựng và các quy định liên quan.
– Nếu đất có nhiều người sử dụng chung, phải có sự thống nhất của tất cả các bên về phương án sản xuất.
Ngoài ra, người sử dụng đất phải đảm bảo đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng và còn thời hạn; tự tháo dỡ, hoàn trả đất khi quy mô sản xuất thay đổi hoặc theo yêu cầu của Nhà nước; và tuyệt đối không sử dụng công trình vào mục đích để ở hoặc phi nông nghiệp.
Những loại công trình được phép xây dựng trên đất nông nghiệp

Dự thảo nêu rõ hai nhóm công trình chính được phép xây dựng trên đất nông nghiệp, bao gồm:
– Thứ nhất là các công trình phục vụ lưu trữ vật tư nông nghiệp, máy móc và dụng cụ lao động. Các công trình này có chiều cao tối đa 6 mét và chỉ được xây dựng khi diện tích đất trồng cây lâu năm hoặc đất trồng cây hàng năm khác đạt tối thiểu 10.000 m². Diện tích xây dựng không vượt quá 20 m².
– Thứ hai là các nhà ươm và trồng cây nông nghiệp. Đây là loại nhà được xây dựng từ khung kết cấu và bao phủ bằng màng nhựa, lưới hoặc các tấm nhựa phẳng, có chức năng kiểm soát môi trường, hạn chế sâu bệnh và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ươm trồng, chăm sóc cây. Nhà ươm phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành và có chiều cao tối đa 12 mét. Đặc biệt, trên đất trồng cây hàng năm khác và đất trồng cây lâu năm, được phép sử dụng tối đa 100% diện tích để lắp đặt nhà ươm hoặc nhà trồng cây.
Thực tế, việc Hà Nội xây dựng dự thảo quy định về xây dựng công trình trên đất nông nghiệp là bước đi cần thiết để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai. Khi quy định được chính thức ban hành, sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, giúp hạn chế tình trạng xây dựng tự phát, sử dụng đất sai mục đích, từ đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững hơn trên địa bàn thành phố.
Trên đây là tin tức Hà Nội lấy ý kiến dự thảo quy định xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, hy vọng đã mang tới độc giả nhiều thông tin hữu ích.