Ngày 27/12/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1668/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo Quyết định này, Hà Nội sẽ có 5 vùng đô thị.
5 vùng đô thị Hà Nội theo quy hoạch mới nhất hiện nay
Theo Quyết định 1668/QĐ-TTg về Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của Hà Nội, với diện tích khoảng 3.359,84 km², bao gồm 30 đơn vị hành chính cấp huyện: 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Quy hoạch này chia thành hai giai đoạn: ngắn hạn đến năm 2030 và dài hạn đến năm 2045, với tầm nhìn đến năm 2065.
Quy hoạch chung Thủ đô xác định cấu trúc phát triển theo mô hình vùng đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 vùng đô thị chính:
– Vùng đô thị phía Nam sông Hồng: Bao gồm khu vực nội đô lịch sử, nội đô mở rộng và các khu vực mở rộng đô thị về phía Tây và Nam như Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và một phần thuộc Thanh Oai, Thường Tín.
– Vùng đô thị phía Đông: Gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm, định hướng phát triển thành cửa ngõ giao thương quan trọng của Hà Nội với các tỉnh phía Đông Bắc.
– Vùng đô thị phía Bắc: Gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, dự kiến hình thành thành phố phía Bắc, tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ và logistics.
– Vùng đô thị phía Tây: Bao gồm thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ. Khu vực này được định hướng nâng cấp thành thành phố Sơn Tây trong tương lai, tập trung phát triển du lịch, văn hóa và giáo dục.
– Vùng đô thị phía Nam: Gồm các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên. Đây là khu vực có tiềm năng phát triển thành thành phố phía Nam, đóng vai trò kết nối giao thông quan trọng với các tỉnh phía Nam Thủ đô.
Bên cạnh đó, cấu trúc khung không gian đô thị được thiết kế theo các trục giao thông vành đai và hướng tâm nhằm kết nối các vùng đô thị với trung tâm Hà Nội. Các tuyến vành đai bao gồm vành đai 1, 2, 2,5, 3, 3,5, 4, 5 và các tuyến cao tốc như Tây Bắc – Nội Bài. Các trục hướng tâm chính gồm quốc lộ 1A, 1B, quốc lộ 2, 3, 5, 6, 32, đại lộ Thăng Long, trục Hà Đông – Xuân Mai, trục Nhật Tân – Nội Bài và các tuyến đường kết nối quan trọng khác.
Quy hoạch này không chỉ giúp định hình không gian phát triển đô thị bền vững mà còn thúc đẩy quá trình đô thị hóa, nâng cao chất lượng sống cho người dân và đảm bảo sự kết nối đồng bộ giữa các khu vực trong Thủ đô Hà Nội.
Xác định rõ 5 trục không gian quan trọng của Hà Nội
Bên cạnh 5 vùng đô thị, Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội cũng xác định rõ 5 trục không gian quan trọng, đóng vai trò động lực phát triển, bao gồm:
– Trục sông Hồng: Kết hợp với sông Đuống, tạo không gian xanh trung tâm, văn hóa sáng tạo, cảnh quan sinh thái và điểm nhấn biểu tượng. Thành phố dự kiến phát triển công viên, đô thị sinh thái, cảng và du lịch hai bên sông.
– Trục Hồ Tây – Ba Vì: Kết nối Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 6 và vùng văn hóa Thăng Long – Xứ Đoài, liên kết trung tâm Hà Nội với thành phố phía Tây và các tỉnh Tây Bắc.
– Trục Hồ Tây – Cổ Loa: Kết nối di sản lịch sử từ Hồ Tây qua cầu Tứ Liên đến Thành Cổ Loa. Phát triển các công trình văn hóa, triển lãm, làng nghề truyền thống và không gian lịch sử đặc sắc.
– Trục Nhật Tân – Nội Bài: Phát triển kinh tế và đô thị thông minh. Trục này kết nối hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, gắn với sân bay Nội Bài và thành phố phía Bắc.
– Trục Nam Hà Nội: Gắn với trục văn hóa Mỹ Đình – Ba Sao – Bái Đính và di sản Thăng Long – Hoa Lư. Trục này kết nối sân bay thứ hai, đô thị Phú Xuyên, quốc lộ 1A, 1B và các tuyến cao tốc, thúc đẩy phát triển khu vực phía Nam Thủ đô.
Quy hoạch mới 13 khu công nghiệp
Về định hướng phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, quy hoạch nêu rõ việc xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, bao gồm các khu công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao. Mục tiêu là tạo nền tảng phát triển bền vững theo từng giai đoạn và tái cấu trúc không gian đô thị, nông thôn. Đặc biệt, quy hoạch dành các không gian dự trữ tại khu vực đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh và thị trấn sinh thái để hình thành các trung tâm chức năng mới, thu hút đầu tư quốc gia và quốc tế.
Hà Nội sẽ phát triển 23 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 5.800 ha, bao gồm 8 khu công nghiệp đang hoạt động, 2 khu đang triển khai và 13 khu quy hoạch mới. Đồng thời, quỹ đất dự trữ khoảng 800 ha tại các huyện Thường Tín, Phú Xuyên và Sóc Sơn sẽ được sử dụng để phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp trong tương lai.
Về cụm công nghiệp và làng nghề, Hà Nội sẽ thúc đẩy mô hình cụm công nghiệp xanh, hạ tầng hiện đại, thông minh và ứng dụng công nghệ cao. Các cụm sản xuất gây ô nhiễm sẽ được chuyển đổi hoặc di dời. Thành phố sẽ kiểm soát chặt chẽ các cụm công nghiệp nằm trong vùng hành lang xanh, đảm bảo các tiêu chí phát triển bền vững và phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất. Đối với các cụm công nghiệp hình thành sau năm 2030, cần tiến hành đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường trước khi triển khai.
Khu vực đô thị trung tâm sẽ tập trung phát triển các khu thương mại – dịch vụ đạt chuẩn khu vực và quốc tế, các tuyến phố thương mại văn minh, hiện đại và các tuyến phố đi bộ. Hà Nội cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch, đồng thời xây dựng các trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí và dịch vụ hỗ trợ thương mại chất lượng cao. Ngoài ra, sẽ hình thành các trung tâm logistics và chợ đầu mối để hỗ trợ lưu thông hàng hóa.
Quy hoạch không gian du lịch của Hà Nội được chia thành 4 cụm chính:
– Cụm trung tâm: Gồm các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Gia Lâm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng và Hoài Đức.
– Cụm phía Bắc: Bao gồm Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn, gắn với thành phố trực thuộc Thủ đô phía Bắc sông Hồng.
– Cụm phía Tây: Gồm các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và Chương Mỹ.
– Cụm phía Nam: Bao gồm Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai và Thường Tín.
Hà Nội sẽ phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng theo từng cụm, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách trong và ngoài nước.
Về hành lang du lịch, quy hoạch phân thành các tuyến chính gồm: Hành lang dọc sông Hồng và sông Đuống; hành lang theo trục sông Đáy và sông Tích; hành lang theo sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Các hành lang này sẽ được phát triển thành các tuyến du lịch với cơ sở hạ tầng dịch vụ hiện đại, bao gồm công viên giải trí, công viên chuyên đề, cơ sở lưu trú và các mô hình du lịch kết hợp sản xuất.
>> Chuyên gia mách 3 kênh đầu tư sinh lời cao trong năm 2025
Trên đây là thông tin Hà Nội sẽ có 5 vùng đô thị theo Quyết định mới số 1668/QĐ-TTg và các thông tin liên quan. Hy vọng bài viết đã cung cấp tới quý độc giả nhiều thông tin hữu ích.
Nếu còn bất cứ thắc mắc nào hoặc muốn nhận tư vấn đầu tư bất động sản sinh lời cao trực tiếp từ diễn giả, nhà huấn luyện chiến lược đầu tư BĐS Rich Nguyen, quý khách hàng vui lòng liên hệ:
RICH NGUYEN ACADEMY
Địa chỉ: Tòa C5 D’capitale, số 119 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội
Hotline: 1900 999979
Email: info.richnguyen@gmail.com
Website: https://richnguyen.vn/
Facebook: Rich Nguyen Academy