Chính phủ ban hành nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; Thu hút gần 8.000 lượt ý kiến góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi); Chính phủ lập 5 tổ công tác, hối hả đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm; Lãi suất đồng loạt giảm, bất động sản sắp bùng nổ trở lại. Đây là những nội dung đáng chú ý trong điểm tin bất động sản ngày 17/03/2023 cùng Rich Nguyen.
Mục lục
1. Chính phủ ban hành nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản có vai trò và đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, tác động tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Thế nhưng, trong năm 2022 và nhất là 6 tháng cuối năm 2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn vì bối cảnh chung của bất động sản thế giới, tình hình kinh tế, cũng như nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hồi phục phát triển; một số hạn chế, tồn tại kéo dài từ trước chưa thể khắc phục triệt để như hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản; nhiều dự án bất động sản ở địa phương gặp khó khăn trong triển khai thực hiện, dẫn tới nguồn cung nhà ở, bất động sản giảm nhiều so với thời gian trước; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa phân khúc cao cấp, trong khi thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; thị trường, doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu, huy động vốn của khách hàng dẫn tới doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ và dừng triển khai thực hiện dự án.
Để tháo gỡ các khó khăn cho thị trường bất động sản, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác và ban hành nhiều công điện (1156/CĐ-TTg, 1163/CĐ-TTg, 1164/CĐ-TTg,…), chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp trong ngắn hạn cũng như lâu dài để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững. Tổ công tác, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, NHNNVN và các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện những nhiệm vụ được giao, đồng thời đạt được một số kết quả cụ thể.
Mục tiêu:
Thứ nhất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, tổ chức thực hiện, nguồn vốn cho thị trường bất động sản gồm:
- Tháo gỡ vướng mắc về quy định pháp luật và thủ tục, trình tự, tổ chức triển khai thực hiện các dự án bất động sản, đặc biệt là liên quan đến đất đai, đầu tư, đấu giá, xây dựng,…
- Tập trung cao độ tháo gỡ vướng mắc cho những dự án đang triển khai để sớm hoàn thành và tạo nguồn cung cho thị trường
- Tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn trái phiếu, tín dụng, quỹ đầu tư,… khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản và góp phần tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Thứ hai, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển, tăng nguồn cung và điều chỉnh cơ cấu sản phẩm hợp lý hơn, chú trọng phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân, trong đó:
- Đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư, chọn lựa chủ đầu tư, kịp thời giải quyết những thủ tục về đất đai, xây dựng của các dự án để tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản.
- Thúc đẩy thị trường bất động sản thông qua chính sách hỗ trợ nguồn vốn nhằm triển khai, thực hiện những dự án khả thi, hiệu quả.
- Thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, phấn đấu tới năm 2030 hoàn thành ít nhất khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Thứ ba, thường xuyên theo dõi và giám sát có hiệu quả tình hình thị trường để có biện pháp, giải pháp kịp thời nhằm ngăn chặn tình trạng thị trường “đóng băng” hoặc “phát triển nóng”, tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ thổi giá lên cao để trục lợi, mất cân đối cung – cầu và bảo đảm vận hành lành mạnh theo cơ chế thị trường.
2. Thu hút gần 8.000 lượt ý kiến góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường, tính tới sáng ngày 13/03/2023 đã có 7979 lượt ý kiến của cá nhân, tổ chức góp ý với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi trên trang web lấy ý kiến nhân dân (https://luatdatdai.monre.gov.vn). Nội dung góp ý của người dân tập trung nhiều nhất vào các chương:
- Chế độ sử dụng các loại đất
- Chương quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất
- Chương thu hồi đất, trưng dụng đất
- Chương bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
- Chương đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất
Những tồn tại và bất cập nêu trên có nguyên nhân là hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ; quy hoạch về kế hoạch sử dụng đất cùng các quy hoạch có liên quan chưa bảo đảm sự thống nhất’ giá đất chưa phản ánh được thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có nơi, có lúc còn chưa nghiêm,… Do đó, sửa đổi Luật đất đai để khắc phục tồn tại, phát huy nguồn lực đất đai và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Đồng thời, thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất và phát triển thị trường bất động sản lành mạnh; phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao; thiết lập hệ thống quản lý đất đai minh bạch, hiện đại, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát huy dân chủ và hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai,…
XEM FULL ĐIỂM TIN BẤT ĐỘNG SẢN NGÀY 17/03/2023 CÙNG RICH NGUYEN TẠI ĐÂY:
3. Chính phủ lập 5 Tổ công tác, hối hả đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định số 235-QĐ-TTg thành lập các Tổ công tác đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm tại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, lưu ý đặc biệt trường hợp bộ, cơ quan TW, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước. Thời gian kiểm tra và đôn đốc từ ngày 10 đến 25 hàng tháng,…
Quyết định số 235/QĐ-TTg nêu rõ thành phần tham gia 5 Tổ công tác gồm lãnh đạo các bộ, cơ quan Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước và một số cơ quan liên quan. Thành phần cụ thể từng tổ công tác được quyết định bởi Tổ trưởng.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư là thường trực các tổ công tác do lãnh đạo Chính phủ làm tổ trưởng, có trách nhiệm giúp tổ trưởng xây dựng báo cáo chung của tổ công tác ở buổi kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra, đề xuất, kiến nghị của tổ công tác sau khi tổ công tác đã kiểm tra. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và thủ trưởng những cơ quan quy định trên có trách nhiệm tham gia hoặc cử lãnh đạo bộ và cơ quan tham gia tổ công tác.
Bộ Tài chính có trách nhiệm gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư số liệu giải ngân của các bộ, cơ quan TW và địa phương trước ngày 27 hàng tháng. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các tổ công tác phải báo cáo kết quả kiểm tra, đề xuất và kiến nghị cụ thể các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gửi Thủ tướng trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra với bộ, cơ quan TW, địa phương.
Tổ công tác có quyền yêu cầu bộ, cơ quan TW và địa phương báo cáo, cung cấp số liệu, thông tin, cử cán bộ phối hợp thực hiện, giải quyết vướng mắc của bộ, cơ quan TW, địa phương đó. Thủ tướng Chính phủ giao các đồng chí tổ trưởng tổ công tác lựa chọn trực tiếp kiểm tra tại một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương thuộc tổ công tác và có hình thức kiểm tra phù hợp với các bộ, cơ quan, địa phương còn lại; xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể, làm việc, tìm hiểu kỹ thực trạng, xác định rõ những vướng mắc, điểm nghẽn ở cơ sở, thẩm quyền giải quyết; trên cơ sở đó trực tiếp chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ vướng mắc hoặc tổng hợp các vướng mắc vượt thẩm quyền để báo cáo cấp có thẩm quyền, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thiết thực.
4. Lãi suất đồng loạt giảm, thị trường bất động sản sắp bùng nổ trở lại?
Tính đến ngày 14/03/2023, nhiều ngân hàng đã công bố biểu lãi suất mới với điều chỉnh giảm khá mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất ở nhóm ngân hàng lớn hầu hết đã giảm xuống dưới mức 9%/ năm.
Cụ thể, ở Techcombank, lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở đi có mức chung là 8,2%/ năm. Trong nhóm Big 4 (VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV), lãi suất tiền gửi cao nhất khi gửi online là 8,2%/ năm. Đối với tiền gửi tại quyền, cả 4 ngân hàng này đều áp dụng 7,2%/ năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Nối tiếp việc thay đổi lãi suất huy động, biểu lãi vay ở nhiều ngân hàng đã giảm. Với những đợt điều chỉnh lần này, lãi vay thả nổi của khách hàng sẽ nhẹ hơn đáng kể.
Thông tin các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm và cho vay là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản. Các chuyên gia cho biết, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm về mức dưới 7%/ năm sẽ kéo lãi suất cho vay về quanh 10%/ năm. Việc này hỗ trợ rất nhiều cho cá nhân, nhà đầu tư, doanh nghiệp vay mua bất động sản.
Đặc biệt, hàng loạt văn bản đã được ban hành để điều tiết thị trường, tháo gỡ các khó khăn và tiếp sức cho thị trường bất động sản ấm lên. Gần đây nhất, vào ngày 11/03/2023, Nghị quyết số 33 được ban hành sẽ giải quyết hai nút thắt chính của thị trường bất động sản là vướng pháp lý và nghẽn dòng tiền. Cụ thể, Chính phủ sẽ hỗ trợ người mua nhà, nhà đầu tư, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận vốn tín dụng. Đi kèm với đó là giãn nợ gốc, lãi vay và cơ cấu lại nhóm nợ cho doanh nghiệp bất động sản.
Trước đó, Nghị định số 08 cho phép trái chủ và doanh nghiệp thỏa thuận thực hiện phương thức đổi trái phiếu lấy tài sản và kéo dài thời hạn của trái phiếu lên tối đa 2 năm làm giảm áp lực đáo hạn trái phiếu. Có thể thấy rằng, hàng loạt nút thắt đang dần được tháo gỡ để “phá băng” sức ì, giúp mọi phân khúc của thị trường bất động sản đều được khai phóng. Do đó, thị trường bất động sản sẽ sớm ấm lên và có thể bùng nổ ngay trong năm 2023.
—————-
Hãy follow và ấn theo dõi các nền tảng Rich Nguyen Academy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị:
- Youtube : RICH NGUYEN
- Fanpage : Rich Nguyen Academy
- Facebook diễn giả: Rich Nguyen
ĐỪNG BỎ LỠ