Bất động sản là 1 trong 8 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của COVID-19. Đợt bùng nổ dịch bệnh thứ hai lại đang khiến thị trường này tiếp tục “hụt hơi”. Bài toán “dòng tiền” BĐS liệu có lời giải?
Có thể thấy, tác động của dịch COVID-19 đối với thị trường bất động sản là rất lớn. Đặc biệt là từ phía khách hàng, nhà đầu tư khi họ đang phải tăng tiết kiệm, thay đổi lối sống, tiêu dùng và khẩu vị rủi ro. Ngay đại diện một số sàn giao dịch cũng thừa nhận, lượng khách đến mua sụt giảm hẳn so với trước.
Việc thu nhập của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch cũng đang gây sức ép lên nhiều doanh nghiệp bất động sản trong việc triển khai dự án. Không chỉ khách hàng mua nhà, giao dịch mua bán trên thị trường cũng đang có dấu hiệu chậm lại.
Thống kê mới nhất từ trang tin batdongsan.com.vn, ngay sau khi dịch tái bùng phát trở lại, những chỉ số giao dịch trên thị trường bất động sản tháng 7 đã có những dấu hiệu không mấy tích cực.
Đơn cử như phân khúc căn hộ chung cư, lượng đăng tin rao bán tăng đến 7% so với tháng 6. Tuy nhiên, mức độ tìm kiếm mua và quan tâm cũng giảm đến 7%. Điều này cho thấy, lượng rao bán ra thị trường tăng cao, trong khi nhu cầu mua lại sụt giảm.
Theo dự báo của các chuyên gia, nếu ảnh hưởng dịch bệnh còn kéo dài, trong tương lai gần, sẽ xuất hiện làn sóng cắt lỗ, giảm giá, đặc biệt là ở những nhà đầu tư mua chung cư để cho thuê, hay không đủ tiềm lực tài chính dài hạn.
Giải bài toán “dòng tiền” từ các doanh nghiệp bất động sản
Hiện tại, thị trường bất động sản vẫn đang đứng giữa rất nhiều khó khăn. Dịch bệnh COVID – 19 khiến giao dịch sụt giảm, pháp luật đất đai vẫn chưa được tháo gỡ, lệch pha cung cầu…Trong bối cảnh khó khăn như thế này, nếu doanh nghiệp nào không có đủ tiềm lực nguy cơ rời khỏi thị trường là rất cao.
Còn đối với các doanh nghiệp có khả năng tài chính mạnh hơn cũng đã đến lúc họ phải có các giải pháp về tái cơ cấu danh mục dự án đầu tư, tiết giảm chi phí, thậm chí là giải pháp tài chính để bán được hàng.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế, để đảm bảo hấp thụ sản phẩm, việc tái cơ cấu của các doanh nghiệp nên chú trọng vào các phân khúc có nhu cầu lớn hiện nay như bất động sản nhà ở với giá phải chăng, bất động sản khu công nghiệp, văn phòng cho thuê. Ngoài ra, cần chú ý các hoạt động về tái cơ cấu nội bộ, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư.
“Tái cơ cấu lại tài chính của mình để đảm bảo cắt giảm đi những chi phí không cần thiết. Ngoài ra, cần có những cái cách thức huy động vốn mới như có thể tham khảo các dòng vốn khác như dòng vốn FDI, dòng vốn phát hành trái phiếu để có thể vượt qua khó khăn thách thức trong bối cảnh hiện nay”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Ông Lực cũng chia sẻ thêm, các doanh nghiệp cũng cần đổi mới tư duy, nắm bắt nhu cầu thị hiếu mới của khách hàng như bất động sản xanh, cảnh quan thoáng đạt, được quản lý chuyên nghiệp… Ngoài ra, cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, để tiết giảm chi phí, đa dạng hoá hoạt động.
Có một thực tế là nhu cầu về mua ở thực, hay đầu tư ở thị trường bất động sản về dài hạn vẫn rất cao. Bằng chứng là chỉ trong tháng 5 và 6 đã ghi nhận hàng loạt các giao dịch mua bán vẫn rất sôi nổi tại các sàn, lễ mở bán.
Khó khăn do dịch chỉ tác động đến những nhà đầu tư thiếu tiềm lực tài chính dài hạn, hoặc mua để đầu tư cho thuê, hay thậm chí là đầu cơ, còn đâu đó dòng tiền vẫn có những “chực chờ” đổ vào bất động sản. Như vậy, có cơ hội nào cho những “dòng tiền” như thế trên thị trường bất động sản nửa cuối năm còn lại?
Xem thêm: Dự đoán thời điểm giá bất động sản đạt đỉnh mới nhất
Theo vtv.vn
- Youtube : RICH NGUYEN
- Fanpage : Rich Nguyen Academy
- Facebook diễn giả: Rich Nguyen
ĐỪNG BỎ LỠ