Điểm tin bất động sản ngày 24/11/2023 cùng Rich Nguyen - Rich Nguyen Official
 

Điểm tin bất động sản ngày 24/11/2023 cùng Rich Nguyen

25/11/2023

Chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6?; Doanh nghiệp bất động sản trước áp lực trả nợ trái phiếu; Bất động sản công nghiệp Việt Nam hút nhà đầu tư nước ngoài; Thị trường vừa khởi sắc, chủ đầu tư đã rục rịch tăng giá chung cư; Ninh Bình đấu giá quyền sử dụng gần 400 lô đất; Quảng Ninh gấp rút hoàn thành cơ bản 1.600 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2023. Đây là những nội dung đáng chú ý trong điểm tin bất động sản ngày 24/11/2023 cùng Rich Nguyen.

XEM NGAY ĐIỂM TIN TUẦN:

Chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6

Với 453/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, ngày 22/11/2023, Quốc hội đã thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV…

Theo đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ chưa biểu quyết thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Trình bày tờ trình về việc điều chỉnh chương trình kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết sau khi thống nhất với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp này sang kỳ họp gần nhất của Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

Trước đó, theo dự kiến vào sáng 29/11, tại chương trình của Kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp ngày 3/11/2023 và ý kiến của các cơ quan ngày 16/11 tại phiên họp giữa hai Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến thống nhất nhiều nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án tối ưu. Việc hoàn thiện toàn diện dự thảo luật cần thêm thời gian để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật, có tính chất đặc biệt quan trọng tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân.

Doanh nghiệp bất động sản trước áp lực trả nợ trái phiếu

Áp lực đáo hạn trái phiếu đang “bủa vây” doanh nghiệp bất động sản. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành mới và được mua lại còn thấp so với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Cùng với tình hình đó, danh sách doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn tăng lên từng ngày, đặc biệt ở nhóm bất động sản…

 

Theo dữ liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế đến hết tháng 10/2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 209.150 tỷ đồng, cho thấy hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu đã cải thiện hơn năm ngoái. Trong đó, ngành ngân hàng chiếm ưu thế với 99.023 tỷ đồng (chiếm 47,3% tổng số), theo sau là nhóm bất động sản với 68.256 tỷ đồng (chiếm 32,6%).

 

Tuy nhiên, nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) cho thấy, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang “bủa vây” các doanh nghiệp bất động sản. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành mới và được mua lại còn thấp so tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam hút nhà đầu tư nước ngoài

Báo cáo mới đây của Savills chỉ ra, trong vòng năm năm qua, Trung Quốc luôn là một trong top 5 quốc gia có lượng đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Số liệu từ Bộ Kế Hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư 2.92 tỷ USD vào Việt Nam, và là quốc gia đứng thứ hai sau Singapore (3.98 tỷ USD) về khối lượng đầu tư.

 

Liên tiếp những năm qua, Việt Nam đã ghi nhận những khoản đầu tư đáng kể từ Trung Quốc. Các nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng quan tâm tới lĩnh vực sản xuất thiết bị điện và năng lượng mặt trời tại Việt Nam nhờ có vị trí tiếp giáp Trung Quốc, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu thô và dây chuyền sản xuất, mức độ hội nhập quốc tế lớn. Cùng với đó, nguồn cung bất động sản công nghiệp phong phú và chi phí lao động, sản xuất cạnh tranh với các thị trường lân cận.

 

Thị trường vừa khởi sắc, chủ đầu tư đã rục rịch tăng giá chung cư

Theo báo cáo của Savills, trong quý 3/2023 nguồn cung chung cư mới giảm tới 47% theo quý và giảm 65% theo năm xuống 1.891 căn hộ hạng B. Việc nguồn cung ngày càng đi xuống khiến mặt bằng giá sơ cấp chung cư tiếp tục đẩy lên cao đạt 54 triệu đồng/m2, tăng 2% theo quý và 13% theo năm. Như vậy, đến nay giá chung cư sơ cấp tại Hà Nội đã tăng 19 quý liên tiếp, cao hơn 77% so với quý I/2019.

Theo Savills, năm 2023, 9.500 căn hộ tại Hà Nội được bàn giao. Từ 2021 đến năm 2025, số lượng căn bàn giao giảm 26% mỗi năm. Trong khi nguồn cung ra thị trường ngày càng hạn chế, nhưng nhu cầu sở hữu nhà của người dân, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội ngày càng lớn.

Theo đơn vị này, từ năm 2023 đến năm 2025, thành phố sẽ có thêm 157.000 hộ gia đình. Tuy nhiên, nguồn cung tương lai gồm 59.000 căn hộ (các hạng), 9.000 nhà ở thấp tầng và 18.700 căn nhà ở xã hội dự kiến mở bán; do đó còn thiếu hụt 70.300 nhà ở. Điều này có thể gây sức ép khiến giá chung cư tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Ninh Bình đấu giá quyền sử dụng gần 400 lô đất

Vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 tới đây, gần 400 lô đất tại TP.Ninh Bình, TP.Tam Điệp và huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình sẽ được tổ chức đấu giá quyền sử dụng. Các lô đất có diện tích từ 96-900m2, với giá khởi điểm là 5,4 – 14,9 triệu đồng/m2…Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp một vòng đối với từng lô đất; có nơi áp dụng tối đa 3 vòng trả giá; phương thức trả giá lên.

 

Được biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động đấu đấu giá đất của tỉnh Ninh Bình vẫn được duy trì, tuy nhiên chưa đạt như kỳ vọng. Một số người am hiểu thị trường cho rằng, do suy thoái kinh tế và có thể nhu cầu của người dân giảm sút nên đã ảnh hưởng đến thị trường đấu giá đất. Mặt khác, việc ngân hàng siết nguồn tín dụng với bất động sản, khiến việc “lướt sóng” đất đấu giá không còn sân chơi, thậm chí phải đối mặt nhiều rủi ro nếu sử dụng đòn bẩy tài chính…

Quảng Ninh gấp rút hoàn thành cơ bản 1.600 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2023

hết năm 2023, tỉnh Quảng Ninh sẽ có khoảng 1.600 căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội cho công nhân, lao động có thu nhập thấp và chuyên gia  được đưa vào sử dụng.

Ngoài 3 dự án nhà ở xã hội đang triển khai đầu tư xây dựng, tỉnh Quảng Ninh đã dành quỹ đất, quy hoạch chi tiết và đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư cho 10 khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, công nhân ngành than.

Theo quyết định đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”, chỉ tiêu giao cho tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 hoàn thành khoảng 18.000 căn, trong giai đoạn 2021 – 2025 hoàn thành khoảng 8.200 căn.

Tuy nhiên, với quyết tâm cao Tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra lộ trình đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng khoảng 25.000 căn nhà ở xã hội, tăng 40% so với chỉ tiêu được giao. Riêng trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai 10 dự án với quy mô 7.034 căn, bằng 85% kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025.

—————-

Hãy follow và ấn theo dõi các nền tảng Rich Nguyen Academy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị:

ĐỪNG BỎ LỠ

 

CÔNG TY CỔ PHẦN

RICH NGUYEN ACADEMY

MST: 5701988820
Địa chỉ: Phòng 4011, Tòa C5 D'Capitale, Số 119 Trần Duy Hưng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Hotline: 1900.99.99.79
Email: info@richnguyen.vn

Theo dõi RichNguyen:

LIÊN HỆ

Rich Nguyen và đội ngũ luôn sẵn sàng hỗ trợ những nhà đầu tư bất động sản tiềm năng.

Copyright © Rich Nguyen 2021

1900999979
icons8-exercise-96 chat-active-icon