Cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu ngày càng gian nan; Chốt giảm 2% thuế VAT đến hết năm, trừ bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng; Khởi công xây dựng cao tốc Cao Lãnh – An Hữu; Bất động sản nghỉ dưỡng “sống dở chết dở”; Nhiều đơn vị ì ạch giải ngân vốn đầu tư công dưới 10%, kéo lùi tỷ lệ chung cả nước; Cho phép UBND tỉnh quy định khu vực được phân lô bán nền. Đây là những nội dung đáng chú ý trong điểm tin bất động sản ngày 30/06/2023 cùng Rich Nguyen.
Mục lục
1. Cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu ngày càng gian nan
Dù lạm phát đang chậm lại ở nhiều nước sau nhiều đợt nâng lãi suất trong hơn một năm qua, nhưng lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu 2% mà nhiều ngân hàng trung ương đặt ra. Nâng lãi suất là công cụ chủ yếu mà các ngân hàng trung ương có để kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng có một độ trễ ít nhất 12 tháng từ lúc ngân hàng trung ương hành động cho đến khi hành động đó phát huy tác dụng lên nền kinh tế. Đó là lý do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 6 sau 10 lần tăng liên tiếp kể từ tháng Ba năm ngoái.
Nhiều quan chức Fed phát đi tín hiệu rằng lãi suất có thể tiếp tục tăng lên vào tháng tới, vì cùng giống như ông Bailey, Fed không muốn đứng trước nguy cơ mất khả năng kiểm soát lạm phát nếu không hành động ngay từ bây giờ. Một trong những lý do các ngân hàng trung ương gặp khó khăn trong kiềm chế lạm phát là nhiều khu vực nhất định của nền kinh tế đang không phản ứng với việc tăng lãi suất.
Ví dụ, giá dịch vụ tại Mỹ, không tính năng lượng, trong tháng Năm tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 5,2% ghi nhận vào tháng 5/2022, cho thấy xu hướng tăng giá trong lĩnh vực dịch vụ vẫn kéo dài. Khi lạm phát trở nên dai dẳng hơn, các ngân hàng trung ương sẽ càng khó để kiềm chế. Nhưng khó không có nghĩa là không thể. Vấn đề chỉ là các ngân hàng trung ương sẽ sẵn sàng để nền kinh tế chịu bao nhiêu tổn thất từ việc tăng lãi suất để đưa lạm phát về mức mong muốn.
2. Chốt giảm 2% thuế VAT đến hết năm, trừ bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng
Việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết 43/2022 đã được Quốc hội chính thức thông qua, thực hiện từ 1/7 đến hết năm nay.
Theo đó, VAT sẽ giảm về 8%, nhưng không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Quốc hội giao Chính phủ thực hiện hiệu quả, bảo đảm không làm ảnh hưởng tới dự toán thu, bội chi ngân sách 2023. Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp thứ 6, vào cuối năm nay.
Quá trình thảo luận trước đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng được giảm 2% thuế VAT, tức áp dụng với tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%. Một số ý kiến khác muốn nâng mức giảm thuế lên 3-5% và đề nghị cần mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian giảm đến năm 2024, thậm chí sang năm 2025.
Tuy nhiên, giải trình trước Quốc hội đầu tháng 6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, phương án trình của Chính phủ về đối tượng, thời gian kéo dài 6 tháng đã được Ủy ban Tài chính ngân sách thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Ước tính, ngân sách năm nay sẽ hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng khi đưa thuế VAT về 8% trong nửa cuối năm.
3. Khởi công xây dựng cao tốc Cao Lãnh – An Hữu
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, tuyến cao tốc Cao Lãnh – An Hữu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Đây là tuyến đường quan trọng trong mạng lưới giao thông của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Dự án thành phần 1 của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng với chiều dài 16km, điểm đầu tại Km0+000 thuộc xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh và điểm cuối tại Km16+000 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (giáp nối với điểm đầu dự án thành phần 2). Thời gian thực hiện dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn 1 từ năm 2022 đến hết năm 2027.
Qua rà soát, việc giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu thành phần 1 có 101 hộ đủ điều kiện bố trí tái định cư, tổng cộng 117 nền. Huyện Cao Lãnh có phương án bố trí nền nhà tái định cư thuộc 2 khu tái định cư là Cả Môn (xã Nhị Mỹ) và Mỹ Hiệp (xã Mỹ Hiệp) với cơ sở hạ tầng được đầu tư (đường giao thông, điện, nước sạch…) để đảm bảo phục vụ cho cuộc sống người dân.
Dự án đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn 1 được chia thành 2 dự án thành phần. Trong số đó, dự án thành phần 1 với chiều dài 16km được khởi công hôm nay. Còn dự án thành phần 2, từ Km16+000 đến Km27+430, dài 11,43 km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư hơn 2.240 tỷ đồng sẽ xây dựng thời gian tới.
4. Bất động sản nghỉ dưỡng “sống dở chết dở”
Trên thị trường bất động sản, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng một thời từng “làm mưa làm gió”, thậm chí trở thành một trào lưu, nhưng nay lại đối diện với cảnh bán lỗ nhưng rất ít người mua là điều không ai có thể ngờ được.
Theo báo cáo của DKRA Group công bố mới đây, nguồn cung mới đối với bất động sản nghỉ dưỡng trong tháng 5/2023 tiếp tục xu hướng giảm từ cuối quý II/2022. Nguồn cung mới nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng trong tháng 5 tăng so với giai đoạn 4 tháng đầu năm nay, tuy nhiên vẫn còn ở mức rất thấp – chỉ tương đương 4% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung condotel dù có sự hồi phục so với tháng trước, nhưng sụt giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng trên thị trường tại hầu hết các địa phương (như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh…) đều trong tình trạng đắp chiếu, chờ phê duyệt. Trong tình hình kinh tế suy giảm như hiện nay, hiệu quả sử dụng và kinh doanh, đặc biệt với bất động sản nghỉ dưỡng, là rất thấp. Nên chặng đường tới, chủ đầu tư rất dễ ngộp thở nếu không được sử hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng và việc tháo gỡ pháp lý dự án từ Chính phủ cũng như các bộ, ngành và địa phương.
5. Nhiều đơn vị ì ạch giải ngân vốn đầu tư công dưới 10%, kéo lùi tỷ lệ chung cả nước
Ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, qua tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 tổ công tác của Chính phủ tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cho thấy, còn một số tồn tại ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, có ảnh hưởng của chiến tranh Ukraine – Nga đến chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến chậm nhập khẩu các vật tư, thiết bị kỹ thuật của một số dự án; đồng thời, cũng làm tăng giá đột biến nhiên liệu, vật liệu và thiết bị đầu vào, gây ra khó khăn cho các nhà thầu.
Điều đó được thể hiện ngay trong kết quả giải ngân. Theo đó, 5 tháng năm 2023, có 8 bộ và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số bộ, đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang (45,89%), Đồng Tháp (44,28%), Long An (40,06%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (40,04%).
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy có tới 39/52 bộ và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó, có 32 bộ và 5 địa phương chỉ giải ngân rất thấp, đạt dưới 10% kế hoạch vốn như: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ…
Vụ trưởng Vụ Đầu tư cho biết Bộ Tài chính định kỳ tổng hợp vướng mắc, kiến nghị các cấp có thẩm quyền nhiều biện pháp tháo gỡ; chủ động rà soát thủ tục nội bộ, cải tiến quy trình, đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ, tổ chức kiểm tra thực tế một số dự án…
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về điều kiện bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở thống nhất thực hiện.
6. Cho phép UBND tỉnh quy định khu vực được phân lô bán nền
Cụ thể, tại khoản 4, Điều 4, Nghị định 35/2023/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung khoản 7, Điều 4, Nghị định 11/2013/NĐ-CP theo hướng UBND cấp tỉnh quy định cụ thể những khu vực được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô bán nền cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt, đáp ứng các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản và các quy định.
UBND cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị từng đô thị, quy chế quản lý kiến trúc được phê duyệt và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, hạ tầng, đô thị để quy định cụ thể khu vực được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền cho người dân được tự xây dựng nhà ở.
Các khu vực trong phạm vi phát triển đô thị thuộc đối tượng phải lập quy hoạch chi tiết khi thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị thì phải lập quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu (đối với trường hợp quy định phải lập quy hoạch phân khu), làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng và triển khai các công việc khác theo quy định của pháp luật liên quan.
—————-
Trên đây là những nội dung đáng chú ý trong điểm tin bất động sản ngày 30/06/2023. Hãy follow và ấn theo dõi các nền tảng Rich Nguyen Academy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị:
- Youtube : RICH NGUYEN
- Fanpage : Rich Nguyen Academy
- Facebook diễn giả: Rich Nguyen
ĐỪNG BỎ LỠ