Thủ tướng chỉ đạo triển khai các giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản; Báo động đỏ về giải ngân vốn đầu tư công tại thành phố Hồ Chí Minh; Quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có hiệu lực từ ngày 01/04/2023; Thủ tướng phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong. Đây là những tin tức đáng chú ý trong điểm tin bất động sản ngày 24/03/2023 cùng Rich Nguyen.
Mục lục
1. Thủ tướng chỉ đạo triển khai các giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP vào ngày 11/03/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững. Trên tinh thần chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán tổng thể về thị trường BĐS, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW bám sát tinh thần của Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ, trong đó chú trọng quan điểm và mục tiêu; các nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện thị trường BĐS phát triển an toàn, bền vững, lành mạnh.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với nhau và với những cơ quan liên quan, cùng quyết tâm của doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập một cách mạnh mẽ, quyết liệt để vượt qua khó khăn, tạo chuyển biến tích cực và khởi sắc thị trường BĐS. Trong đó, doanh nghiệp và thị trường BĐS phải điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, phân khúc thị trường và giá cả hợp lý hơn, đặc biệt chú trọng phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội và nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân. Đồng thời rà soát các dự án nhà ở, bất động sản để cùng các doanh nghiệp xử lý vướng mắc về pháp lý, nhất là những dự án BĐS có phát hành TPDN, có bảo lãnh, huy động vốn từ người mua nhà ở và vay vốn ngân hàng.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bộ Tài chính thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ được Thủ tướng giao tại Công điện 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 về thị trường TPDN, rà soát kỹ, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan tới phát hành TPDN, đặc biệt là việc phát hành riêng lẻ lẫn phát hành ra công chúng. Bên cạnh đó, cần phải có các giải pháp, biện pháp hợp lý, hài hòa, hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lãi suất, thời hạn thanh toán và các điều kiện chi trả, thanh toán theo quy định pháp luật.
Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 05/03/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung, ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu riêng lẻ và theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ.
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao ở Quyết định 75/QĐ-TTg ngày 28/11/2022 của Thủ tướng về ổn định hoạt động thị trường chứng khoán và thị trường TPDN; tham mưu cho Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNNVN khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo NHTM cho chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, dự án cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi theo Nghị định 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ.
2. Báo động đỏ về giải ngân vốn đầu tư công tại thành phố Hồ Chí Minh
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa tiếp tục ký văn bản khẩn gửi các quận/ huyện, sở/ ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đây không phải là lần đầu tiên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh gửi văn bản đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Ngay từ những ngày đầu năm 2023, chính quyền TPHCM đã liên tục đốc thúc bằng văn bản và chỉ đạo trong các cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội mỗi tháng.
Mặc dù vậy, qua số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh, 2 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố là 369 tỷ đồng (đạt 1% so với kế hoạch đã giao). Còn vốn ngân sách Trung ương chỉ giải ngân được 0,52% so với kế hoạch đã giao.
Năm 2023, thành phố Hồ Chí Minh được Chính phủ phân bổ 70.518 tỷ đồng vốn đầu tư công gồm 13.880 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, 55.225 tỷ đồng vốn địa phương và 1.413 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách Trung ương. Phần lớn vốn đầu tư công của thành phố Hồ Chí Minh dành cho đầu tư các dự án quan trọng hoặc mang tính liên kết vùng như Quốc lộ 50, đường Vành đai 3, nút giao An Phú, đường nối từ Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa (nối vào sân bay Tân Sơn Nhất).
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế vào đầu tháng 3 năm 2023, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy, 3 dự án hạ tầng bao gồm nút giao An Phú, Dự án Mở rộng Quốc lộ 50, đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn tới đường Cộng hòa đang thi công cầm chứng và chưa triển khai đồng bộ, có nguy cơ ảnh hưởng tới tiến độ. Điều đáng nói là những dự án này đã được bố trí đủ vốn và có mặt bằng nhưng thi công rất chậm.
3. Quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có hiệu từ ngày 01/04/2023
Thông tư số 11/2022/TT-NHNN của NHNNVN ban hành ngày 30/09/2022 quy định về bảo lãnh ngân hàng, trong đó có quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Thông tư 11/2022/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 01/04/2023.
Cụ thể, Thông tư này quy định, ngân hàng thương mại có đủ năng lực bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai khi: Trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc trong văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của NHTM có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng; không bị cấm, hạn chế, tạm đình chỉ, đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.
NHNN công bố công khai danh sách những ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong mỗi giai đoạn trên cổng thông tin điện tử NHNN. Ngân hàng thương mại xem xét và quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi họ đáp ứng đủ các yêu cầu quy định (ngoại trừ trường hợp NHTM bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng), dự án của chủ đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện của BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều số 65 Luật kinh doanh BĐS và quy định của pháp luật có liên quan.
Số tiền bảo lãnh tối đa cho một dự án bất động sản hình thành trong tương lai bằng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước của bên mua theo quy định tại Điều số 57 Luật kinh doanh BĐS và những khoản tiền khác (nếu có) theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.
4. Thủ tướng phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, ranh giới lập đồ án bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên các xã Vạn Thọ, Vạn Thạnh, Vạn Phước, Đại Lãnh, Vạn Long, Vạn Bình, Vạn Thắng, Vạn Khánh, Vạn Lương, Vạn Phú, Vạn Hưng, thị trấn Vạn Giã thuộc huyện Vạn Ninh, các phường Ninh Giang, Ninh Hiệp, Ninh Thủy, Ninh Đa, Ninh Hải, Ninh Diêm và các xã Ninh Thọ, Ninh An, Ninh Phước thuộc thị xã Ninh Hòa.
Quy mô diện tích Khu kinh tế Vân Phong khoảng 150.000ha, trong đó diện tích phần mặt nước là khoảng 79.178ha, phần đất liền và đảo rộng khoảng 70.822ha được giới hạn như sau: Phía Nam giáp phường Ninh Hà, các xã Ninh Phú, Ninh Quang, Ninh Vân của thị xã Ninh Hòa; Phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên; phía Đông giáp với biển.
Về tính chất, Khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực đóng vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận, cũng như cả nước. Trong đó, kinh tế biển có nền tảng là dịch vụ logistics và cảng trung chuyển container quốc tế, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, du lịch giữ vai trò quan trọng, kết nối hợp tác phát triển với những ngành kinh tế khác.
Về tầm nhìn và chiến lược, tới năm 2050, đưa Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế biển thông minh, năng động, bản sắc, bền vững, có sự gắn kết giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển thịnh vượng, bền vững; là khu kinh tế có tính cạnh tranh cao dựa trên những ngành trọng điểm lợi thế tự nhiên, là trung tâm du lịch, hàng hải, công nghiệp và cửa ngõ giao thương với thế giới của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Về quy mô đất xây dựng, tới năm 2030, đất xây dựng các khu chức năng là khoảng 14.900ha, trong đó, phát triển hỗn hợp dân cư dịch vụ khoảng 950ha, đất phát triển dân cư đô thị khoảng 3.140ha, phát triển dân cư nông thôn khoảng 2.660ha và đất xây dựng các khu chức năng khác khoảng 8.150ha.
Tới năm 2040, đất xây dựng các khu chức năng là khoảng 22.000ha, trong đó phát triển hỗn hợp dân cư dịch vụ khoảng 1.743ha, phát triển dân cư đô thị khoảng 5.396ha; đất xây dựng các khu chức năng khoảng 13.444ha.
—————-
Hãy follow và ấn theo dõi các nền tảng Rich Nguyen Academy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị:
- Youtube : RICH NGUYEN
- Fanpage : Rich Nguyen Academy
- Facebook diễn giả: Rich Nguyen
ĐỪNG BỎ LỠ