World Bank “cảnh báo”: Cuộc chiến chống lạm phát của Fed có thể khiến toàn cầu gặp “biến lớn”; Dự án nhà ở xã hội ‘bung hàng’ ở nhiều tỉnh thành; TP.HCM ấn định ngày khởi công đường vành đai hơn 75.000 tỷ đồng; Dự án cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45: Nhiều thiếu sót, vi phạm; VN-Index lên cao nhất 9 tháng, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam vượt 4,8 triệu tỷ đồng; Doanh nghiệp địa ốc vẫn ‘ngồi trên đống lửa’ vì vướng pháp lý. Đây là những nội dung đáng chú ý trong điểm tin bất động sản ngày 16/06/2023 cùng Rich Nguyen.
Mục lục
1. World Bank “cảnh báo”: Cuộc chiến chống lạm phát của Fed có thể khiến toàn cầu gặp “biến lớn”
Những nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – thông qua việc tăng lãi suất – nhằm mục đích hạ nhiệt lạm phát vẫn chưa gây ra suy thoái kinh tế ở Mỹ. Tuy nhiên, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố gần đây đã cho thấy các hành động của Fed có thể gây ra những hậu quả kinh tế vượt ra ngoài biên giới nước này.
Theo Business Insider (BI), Fed có khả năng tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách sắp tới. Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 10 lần trong hơn một năm dù hiện tại lạm phát vẫn cao hơn mức mục tiêu 2%.
Vào tháng 5, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang FOMC đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, đẩy lãi suất quỹ liên bang lên phạm vi mục tiêu là 5% – 5,25%. Chu kỳ mới đánh dấu tốc độ thắt chặt nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980.
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu gần đây của WB, việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng ở Mỹ sẽ tác động đặc biệt đến thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (còn gọi là EMDE). Điều này có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính và suy thoái trên toàn thế giới.
Cụ thể, khi Fed “đi trước”, các ngân hàng trung ương khu vực EMDE có thể cũng sẽ thực hiện các chính sách thắt chặt dẫn đến lãi suất trong nước tăng cao và tiền tệ bị mất giá, từ đó khiến lạm phát “trầm trọng” hơn. Điều này khiến các doanh nghiệp và chính phủ ở các quốc gia này gặp khó khăn trong việc vay tiền và tiếp cận vốn.
Bên cạnh các động thái của Fed, sự hỗn loạn trong hệ thống tài chính Mỹ bởi sự sụp đổ của vài ngân hàng khu vực cũng có thể đe dọa các EMDE. Biến động ngành ngân hàng Mỹ vừa rồi có thể khiến các nước EMDE phải đối mặt với việc xuất khẩu giảm và thị trường tài chính bị gián đoạn – trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng “trầm lắng”.
2. Dự án nhà ở xã hội ‘bung hàng’ ở nhiều tỉnh thành
Hiệu ứng từ sự kiện hàng trăm người xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ bốc thăm căn hộ dự án nhà ở xã hội (NƠXH) NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới đây cho thấy nguồn cung phân khúc NƠXH hiện quá ít, chưa thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nếu như các phân khúc khác chủ đầu tư phải bỏ tiền ra để quảng cáo, xây dựng căn hộ mẫu để người mua tham quan thì riêng với NƠXH họ không cần làm những điều này vì số lượng căn hộ không bao giờ đủ bán.
Giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội dự kiến sẽ có 22 NƠXH hoàn thành, và hiện TP đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để có thể hoàn thành mục tiêu này.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng nguồn cung NƠXH sẽ có sự tăng trưởng do các chính sách điều hành vĩ mô đều đang ưu ái cho phân khúc này. Đồng thời, thanh khoản của phân khúc này sẽ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, do các chính sách cần có độ ngấm, tác động dần dần vào thị trường nên nguồn cung phân khúc này trước mắt chưa tăng trưởng mạnh ngay trong năm 2023 mà sẽ khởi sắc từ từ theo độ ngấm chính sách.
Mặt khác, số lượng doanh nghiệp tham gia phát triển phân khúc này , hứa hẹn sự cải thiện về nguồn cung trong tương lai. Vì thế trước mắt Nhà nước cần đẩy nhanh việc sửa đổi các quy định về phát triển NƠXH, đồng thời tháo gỡ các điểm nghẽn đang cản trở phân khúc này để thúc đẩy NƠXH tăng trưởng trong thời gian tới.
3. TP.HCM ấn định ngày khởi công đường vành đai hơn 75.000 tỷ đồng
Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua TP.HCM (47,51 km), Bình Dương (10,76 km), Đồng Nai (11,26 km) và Long An (6,81 km). Tại TP.HCM, dự án đi qua TP. Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh với diện tích đất chiếm dụng 410 ha.
Dự án được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập. Tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2027.
Quy mô giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1) 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2-3 làn xe), đầu tư không liên tục. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc, tốc độ 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2-3 làn xe), tốc độ 60 km/h.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, báo cáo của Sở GTVT, TN&MT TP.HCM và TP. Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh thì đến nay đã có tổng cộng 335 ha/410 ha đất cần thu hồi phục vụ thi công dự án, đạt tỷ lệ 81,5%, cao hơn so với mục tiêu đặt ra là 70% vào ngày 15/6/2023. Trong đó những địa phương có tỷ lệ thu hồi, bàn giao đất rất cao, vượt chỉ tiêu đặt ra như huyện Hóc Môn (93%), Bình Chánh (86%).
Thời gian tới, chủ đầu tư cùng các đơn vị, địa phương liên quan sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để hoàn thành kế hoạch đạt tỷ lệ 100% bồi thường giải phóng mặt bằng trước 31/12; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tư vấn, nhà thầu tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng; giải quyết tốt bài toán vật liệu…
4. Dự án cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45: Nhiều thiếu sót, vi phạm
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có kết luận thanh tra về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa cung cấp cho dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 (Dự án cao tốc đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45).
TTCP cho rằng, công tác điều tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ vật liệu phục vụ Dự án của Bộ GTVT (đại diện là Ban QLDA Thăng Long) và nhà thầu thi công chưa chưa đáp ứng yêu cầu thực tế xây dựng, tỷ lệ sai số lớn, số mỏ theo khảo sát là 37 nhưng thực tế thi công chỉ có 17 mỏ cung cấp được vật liệu cho Dự án (tỷ lệ 46%), còn 20 mỏ không cung cấp được vật liệu (nguyên nhân do không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật, không còn trữ lượng, chưa được cấp phép, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng)… Như vậy, kết quả khảo sát, lấy mẫu thử nghiệm và lựa chọn các điểm mỏ của đơn vị tư vấn là chưa phù hợp với thực tế. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhà thầu bị động trong việc tìm kiếm nguồn cung VLXD, ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án.
Qua xem xét 19 hồ sơ cấp phép các dự án khai thác khoáng sản làm VLXDTT cung cấp cho Dự án đường cao tốc do các Sở TN&MT các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa cung cấp, bước đầu cho thấy còn có một số thiếu sót, vi phạm (nội dung này không thanh tra, kiểm tra trực tiếp)…
Với những thiếu sót, vi phạm nêu trên, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác điều tra, khảo sát các mỏ VLXDTT, ban hành quy định cụ thể áp dụng cho công tác khảo sát mỏ VLXDTT cho ngành GTVT nhằm đảm bảo chính xác về trữ lượng theo thời gian, tiến độ, tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi phê duyệt dự án; phải có các phương án dự phòng để đảm bảo tính khả thi theo yêu cầu của dự án. Xử lý nghiêm các Ban QLDA, đơn vị tư vấn chưa làm hết trách nhiệm, có vi phạm trong công tác điều tra, khảo sát nguồn cung VLXD cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia…
5. VN-Index lên cao nhất 9 tháng, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam vượt 4,8 triệu tỷ đồng
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa tiếp tục nối dài chuỗi ngày khởi sắc. VN-Index tăng phiên thứ 3 liên tiếp qua đó leo lên mức 1.122,46 điểm, cao nhất trong gần 9 tháng. So với thời điểm bắt đầu đi lên từ tuần cuối tháng 4, chỉ số này đã tăng 8,5%. Vốn hóa toàn sàn chứng khoán tương tứng tăng thêm 380.000 tỷ (~16 tỷ USD) qua đó vượt mức 4,8 triệu tỷ đồng.
Lãi suất cho vay cũng ít nhiều hạ nhiệt được kỳ vọng sẽ giảm áp lực lên chi phí vốn của các công ty chứng khoán qua đó giúp mở ra dư địa để giảm lãi suất cho vay margin. Điều này có thể kích thích nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư tăng trở lại.
Những dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế chưa thực sự rõ ràng, thậm chí một số chỉ tiêu còn suy yếu. Chỉ số PMI tháng 5 tiếp tục giảm xuống còn 45,3 cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục thu hẹp. Hoạt động xuất khẩu cũng gặp nhiều thách thức với giá trị chỉ đạt 136,2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay giảm khá chậm và vẫn đang duy trì ở mức cao sẽ tiếp tục gây áp lực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp. Với nền so sánh cao cùng kỳ năm ngoái, các nhóm ngành quan trọng như ngân hàng, bất động sản, thép, chứng khoán, bán lẻ,… nhiều khả năng vẫn sẽ khó tăng trưởng dương trong quý 2 dù lợi nhuận có thể cải thiện so với quý đầu năm.
Tăng trưởng tín dụng yếu trong khi tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn là một dấu hỏi lớn có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế trong nước. Những tồn đọng trên thị trường trái phiếu và khó khăn của lĩnh vực bất động sản khó có thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn. Các chính sách tiền tệ, tài khóa chưa thể có hiệu quả ngay mà cần thời gian để thẩm thấu.
6. Doanh nghiệp địa ốc vẫn ‘ngồi trên đống lửa’ vì vướng pháp lý
Thực tế việc doanh nghiệp “kêu cứu” về dự án bị treo do những vướng mắc pháp lý không lạ trong thời gian qua. Chắc hẳn giới bất động sản vẫn chưa quên việc Công ty TNHH Gotec Việt Nam (Gotec Land) chủ đầu tư của dự án Shizen Home đầu năm 2023 gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng.
Thời điểm gửi đơn, đại diện Gotec Land cho biết đã 6 tháng kể từ lần nộp hồ sơ đầu tiên nhưng chưa được Sở Xây dựng cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, khiến công ty thiệt hại 1.052 tỷ đồng. Vừa qua, nhiều thông tin cho hay dự án đang được tháo gỡ, nhưng cũng chưa rõ khi nào được duyệt đủ điều kiện bán.
Tương tự, vào đầu tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trực tiếp làm việc với ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland, để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án của doanh nghiệp này ở Đồng Nai.
Tại Đồng Nai, Novaland đang là chủ đầu tư của 9 dự án, đó là các dự án thành phần của Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng (gồm 3 dự án thành phần Khu dân cư Long Hưng, Khu đô thị Đồng Nai WaterFront, Khu đô thị Aquacity) và dự án Khu đô thị dịch vụ thương mại cao cấp cù lao Phước Hưng.
Thời gian qua, do những điều chỉnh về quy hoạch chung của địa phương, Novaland đang phải tạm dừng triển khai xây dựng và kinh doanh tất cả các dự án. Sự việc này đã kéo dài gần hai năm, gây nhiều thiệt hại nhà đầu tư, khách hàng. Theo tính toán, hiện mỗi ngày Novaland và Novagroup phải trả trung bình 50 tỷ đồng lãi phát sinh.
Có thể thấy, dù hàng loạt các chính sách vĩ mô đã được triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tuy nhiên hầu hết mới chỉ nằm trên giấy, chưa có nhiều tác động vào thực tế. Minh chứng là các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang chật vật với bài toán dòng tiền, thanh khoản, đặc biệt là pháp lý.
Theo đó, giải pháp hiện tại là phải tập trung vào tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý cho doanh nghiệp, vì còn vướng mắc thì ngân hàng muốn cho vay cũng không thể. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải rà soát để điều chỉnh giá bất động sản. Như vậy, sẽ kích thích tín dụng cho cả doanh nghiệp xây dựng bất động sản cũng như là người mua nhà.
—————-
Hãy follow và ấn theo dõi các nền tảng Rich Nguyen Academy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị:
- Youtube : RICH NGUYEN
- Fanpage : Rich Nguyen Academy
- Facebook diễn giả: Rich Nguyen
ĐỪNG BỎ LỠ