3 rào cản lớn chặn dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam; Dự đoán 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023; Chính phủ dồn lực giải ngân đầu tư công; Tiêu thụ Condotel tăng hơn 20 lần trong quý II-2023; Thanh Hóa: Gần 2.000 hợp đồng bất động sản ‘thiếu’ kê khai thuế; Qua thời gần 20 tỷ một lô đất, giá bất động sản Tà Xùa bắt đầu hạ nhiệt. Đây là những nội dung đáng chú ý trong điểm tin bất động sản ngày 14/07/2023 cùng Rich Nguyen.
Mục lục
1. 3 rào cản lớn chặn dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam
Theo Savills Việt Nam, hiện nay có 3 rào cản khiến dòng vốn ngoại khó tiếp cận thị trường bất động sản, đồng thời khiến cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa thể tham gia mạnh mẽ vào thị trường M&A nhiều tiềm năng.
Rào cản thứ nhất là hệ thống luật pháp về đất đai tại Việt Nam vẫn còn tương đối phức tạp. Nhiều điều khoản trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh Bất động sản vẫn chưa thống nhất, gây ra những ách tắc chưa tìm được hướng giải quyết. Bất chấp việc cải cách thể chế của Chính phủ trong những năm qua, những thiếu sót này sẽ là yếu tố cản trở sự phát triển của các thương vụ M&A.
Rào cản thứ hai là việc các doanh nghiệp Việt quy mô vừa và nhỏ (SMEs) hiện chưa có sự chuẩn bị kỹ càng cho quá trình mua bán sáp nhập bất động sản, điều này dẫn đến rất nhiều khó khăn phát sinh trong việc huy động nguồn vốn đầu tư hoặc chuyển nhượng.
Rào cản thứ ba đến từ việc tại thị trường bất động sản Việt Nam, người mua và người bán dự án đang có cách tiếp cận định giá khác nhau, tạo ra những khác biệt về mức giá kỳ vọng của tài sản giá trị lớn.
Chuyên gia đến từ Savills Việt Nam đánh giá trên thực tế, các giao dịch M&A là một loại hàng hóa phức tạp, nếu chỉ đánh giá giá trị tài sản ở tầm nhìn ngắn hạn là chưa đủ. Thị trường mua bán sáp nhập đòi hỏi các bên tham gia đàm phán cần lập kế hoạch chi tiết để hướng tới giá trị dài hạn trong tương lai.
Trong khi đó, nhận định về thị trường M&A doanh nghiệp và dự án bất động sản tại Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản đưa ra dự báo, dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đã và sẽ tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam trong thời gian tới. Đa số các nhà đầu tư này đều hướng đến các dự án có pháp lý tương đối hoàn thiện, để tránh rủi ro.
2. Dự đoán 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023
Nhận định về 6 tháng cuối năm, các chuyên gia Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.
Theo đó, các chuyên gia CIEM đưa ra 3 kịch bản dự báo về phát triển kinh tế từ nay đến cuối năm.
Kịch bản thứ nhất, giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021 – 2022.
Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,34% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 5,64%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,43%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.
Kịch bản thứ hai, giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam.
Khi đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 3,66%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,87%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD.
Kịch bản thứ ba, giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn…) và sự quyết liệt trong cải cách, điều hành ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động, thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư theo hướng hiệu quả hơn.
Khi đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 2,17%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 4,39%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.
3. Chính phủ dồn lực giải ngân đầu tư công
Trong bối cảnh các “trụ cột” tăng trưởng đều suy giảm, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, đầu tư công được kỳ vọng trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2023. Điểm đáng mừng là những ngày gần đây, tiến độ giải ngân đầu tư công có dấu hiệu khởi sắc.
Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết, nếu như 3 tháng đầu năm, đầu tư công còn khá chậm, thì bước sang quý 2, tỷ lệ giải ngân đã thực sự tăng tốc. Sáu tháng đầu năm, mặc dù giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 33% kế hoạch, nhưng tăng 20,5% so với 6 tháng đầu năm 2022. Khối lượng đầu tư công thực hiện trong 6 tháng đầu năm đạt trên 232.200 tỷ đồng. Nhiều dự án trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội đã cơ bản hoàn thành thủ tục, đến thời điểm này tập trung triển khai thực hiện. Nhiều dự án khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã xong về thủ tục, quy trình, tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công trong năm nay.
Năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt ít nhất 95%. Để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đầu tư công, bà Nga cho rằng, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nào bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, chủ động, linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án, chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công. Kinh nghiệm cho thấy, ở đâu lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng nhóm dự án cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, thì ở đó, đầu tư công được đẩy mạnh.
4. Tiêu thụ Condotel tăng hơn 20 lần trong quý II-2023
Trong quý II/2023 khoảng 378 căn condotel được mở bán từ 3 dự án, tăng mạnh 90% so với quý trước đó nhưng vẫn giảm khoảng 31% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, lượng tiêu thụ mới cũng nhiều hơn 20 lần so với quý I nhưng vẫn thấp hơn 78% so với cùng kỳ năm ngoái khi đạt 122 căn. Tỉ lệ hấp thụ cũng lên tới 32%, vượt trội so với mức 3% của quý I.
Phần lớn lượng giao dịch tập trung vào những dự án có pháp lý hoàn thiện, được ngân hàng bảo lãnh và được vận hành bởi đơn vị quốc tế 4 – 5 sao. Mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với quý trước nhưng ghi nhận tăng 2% – 4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, việc tăng giá cũng kèm theo nhiều chính sách bán hàng, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết/chia sẻ doanh thu/lợi nhuận,… nhằm kích cầu thị trường.
Nguồn cung ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng trong quý II đón nhận 76 căn đến từ 5 dự án mở bán, tăng so với quý trước nhưng chỉ bằng 4% so với cùng kỳ năm 2022. Sức cầu thị trường chuyển biến tích cực nhưng không đáng kể. Lượng tiêu thụ mới đạt 50 căn, tương đương 66% nguồn cung mở bán, giao dịch tập trung cục bộ tại một dự án nhất định.
DKRA Group dự báo quý III/2023 nguồn cung condotel tiếp tục tăng so với quý II/2023, dao động khoảng 400 – 500 căn, tập trung phần lớn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định….
5. Thanh Hóa: Gần 2.000 hợp đồng bất động sản ‘thiếu’ kê khai thuế
Kết quả rà soát đến 30/6/2022 cho thấy, trên địa bàn thành phố Thanh Hoá còn nhiều hợp đồng chuyển nhượng bất động sản đã công chứng nhưng chưa đăng ký kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ và làm thủ tục đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo danh sách rà soát, có tới gần 2.000 hợp đồng đã được công chứng; địa chỉ thửa đất có trong hợp đồng thuộc địa bàn TP Thanh Hoá; tên người mua, bán đất ở có địa chỉ ở trong và ngoài tỉnh.
Để tăng cường quản lý nguồn thu, chống thất thu ngân sách nhà nước hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn, Cục Thuế tỉnh Thanh Hoá đã đề nghị UBND TP Thanh Hoá chỉ đạo cơ quan chức năng Chi cục Thuế, Công an thành phố, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, UBND các phường, xã có trách nhiệm tổ chức triển khai quản lý thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Cơ quan này giao cho Chi cục Thuế khu vực TP Thanh Hoá – Đông Sơn chủ trì, tham mưu cho UBND TP Thanh Hoá xây dựng kế hoạch triển khai để yêu cầu tổ chức, cá nhân đã mua, bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ và hoàn thành thủ tục đăng ký đất đai theo quy định.
6. Qua thời gần 20 tỷ một lô đất, giá bất động sản Tà Xùa bắt đầu hạ nhiệt
Ở thời điểm 2018-2019, giá đất ở Tà Xùa chỉ vài trăm nghìn đồng/m2, một số lô đất nằm ở trục đường chính tại trung tâm có giá đắt đỏ hơn lên tới tiền triệu/m2. Nhưng kể từ nửa cuối năm 2019 đến năm 2022, giá đất Tà Xùa tăng mạnh.
Đơn cử, một lô đất mặt đường tại khu trung tâm gần sân mây có chiều ngang khoảng 10m được rao bán với giá khoảng gần 17 tỷ đồng. Hay lô đất cách đó vài chục mét, nằm trên trục đường chính, được rao bán với giá khoảng 6 tỷ đồng. Đất Tà Xùa từng được ví đắt ngang đất trung tâm Hà Nội”.
Đến hiện tại, giá đất Tà Xùa bắt đầu chững lại. Một số chủ đất bắt đầu rao bán cắt lỗ do tình trạng làm ăn thua lỗ kéo dài. Nguyên nhân đến từ hoạt động thanh tra việc vi phạm xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ.
Theo báo cáo số 290/BC-UBND ngày 28/4/2022 của UBND huyện Bắc Yên về kết quả kiểm tra, xác minh việc sử dụng đất của các cơ sở homestay trên địa bàn xã Tà Xùa: Qua kiểm tra phát hiện 7 điểm có hành vi xâm lấn đất lâm nghiệp, các vị trí vi phạm là đất quy hoạch lâm nghiệp nhưng không có rừng. Trong đó, 5 hộ đã dựng nhà trên vị trí vi phạm, 2 hộ chưa xây dựng. UBND xã đã kiểm tra, lập biên bản và ban hành Quyết định đình chỉ đối với các hộ gia đình nhưng một số hộ vẫn lén lút xây dựng.
Đáng e ngại, có hiện tượng chặt phá rừng, xảy ra tại khu vực đỉnh gió thuộc địa phận rừng cộng đồng của bản Chung Trinh, xã Tà Xùa. UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Tà Xùa phối hợp với Hạt Kiểm lâm tiến hành kiểm tra, xác minh đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Đến nay, đã rà soát, kiểm tra được 6 hộ gia đình, cá nhân và xử lý 2 trường hợp vi phạm.
—————-
Trên đây là những nội dung đáng chú ý trong điểm tin bất động sản ngày 14/07/2023. Hãy follow và ấn theo dõi các nền tảng Rich Nguyen Academy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị:
- Youtube : RICH NGUYEN
- Fanpage : Rich Nguyen Academy
- Facebook diễn giả: Rich Nguyen
ĐỪNG BỎ LỠ