Đất nền khu vực phía Bắc: Mua dễ nhưng bán khó?
 

Đất nền khu vực phía Bắc: Mua dễ nhưng bán khó?

07/07/2022

Hiện nay, đã không còn cảnh nhà nhà người người đổ xô đi buôn bán nhà đất. Thay vào đó là sự lệch cung cầu khi người mua vắng bóng còn người bán thì nhiều. Không chỉ vậy, các dự án đất nền khu vực phía Bắc còn đang rơi vào cảnh “mua dễ bán khó”.

1. Đất nền khu vực phía Bắc đang gặp phải tình trạng tắc thanh khoản hiện hữu

Nếu như cách đây vài tháng, thị trường đất nền ở Sơn Tây (Hà Nội) còn “nóng như lửa” khi các nhà đầu tư ùn ùn kéo về săn đất đồi, đất vườn nhằm đón đầu bước chân của các “ông lớn”, đẩy giá đất lên cao, thì gần đây, giá đất đã bắt đầu hạ nhiệt. Anh Đức Hoàng, một nhà đầu tư bất động sản cho biết, từ cuối tháng 3/2022 đến nay, anh đã 2 lần hạ giá bán hai lô đất trị giá hơn 4 tỷ đồng vốn ban đầu nhưng vẫn chưa chốt được giao dịch. Một số khách hàng có gọi điện hỏi han nhưng không thực sự muốn mua mà chủ yếu là để thăm dò.

Nhiều nhà đầu tư “tay ngang” tham gia lĩnh vực này khi thị trường đất nền Thạch Thất (Hà Nội) “sốt nóng” cũng đang đứng ngồi không yên vì rao bán mãi nhưng chẳng ai mua ngay cả khi đã chấp nhận bán cắt lỗ. Mặc dù đây là khu vực nằm trong quy hoạch đường Vành đai 4 tại Thủ đô.

Anh Tuấn Anh, một nhà đầu tư khác chia sẻ thêm: “Lãi chưa thấy đâu chỉ biết phải xoay xở vài chục triệu mỗi tháng để trả nợ ngân hàng mà chẳng biết làm sao để cắt lỗ”. Đây là tình trạng tắc thanh khoản nhưng khó khăn với thị trường trong giai đoạn này khác hẳn so với trước đây. 

Năm ngoái, giao dịch mặc dù chậm nhưng sự quan tâm của khách hàng vẫn khá lớn, nhất là những lô đất đẹp vẫn nằm trong “tầm ngắm” của những nhà đầu tư dư dả tài chính. Việc trì hoãn giao dịch buôn bán bất động sản chẳng qua là để chủ đất sốt ruột mà giảm giá rồi mua lại với mức giá rẻ. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư gần như không quan tâm đến đất nền khu vực phía Bắc.

Đất nền khu vực phía Bắc đang gặp phải tình trạng tắc thanh khoản hiện hữu
Đất nền khu vực phía Bắc đang gặp phải tình trạng tắc thanh khoản hiện hữu

Tương tự, tại những thị trường lân cận Hà Nội khác như Bắc Ninh, Bắc Giang,… giao dịch đất nền còn sôi động trong những tháng đầu năm thì nay cũng trở nên nguội lạnh. Trên các trang hội nhóm và trang rao bán bất động sản cũng xuất hiện la liệt thông tin “Cắt lỗ lô đất mặt đường…”, “Cần tiền gấp nên bán lô đất…” hay “Bán cắt lỗ gấp đất nền dự án….”,…

Theo các số liệu khảo sát cho thấy, những sản phẩm bất động sản đăng bán trong tháng 5/ 2022 duy trì đã tăng nhưng nhu cầu tìm kiếm lại giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong những loại hình bất động sản hiện nay, đất nền được rao bán nhiều nhất với mức tăng khoảng 30%, tiếp đến là nhà mặt phố và nhà riêng với mức tăng 13%.

Theo các chuyên gia, đất nền khu vực phía Bắc, ngoại trừ xuất hiện sóng tăng nhẹ ở một số địa điểm có quy hoạch đường vành đai, giao dịch và lượng quan tâm đất nền cũng đều chững lại. Rõ nét nhất chính là phân khúc đất rẫy, đất vườn và đất nông nghiệp ở khu vực ven đô.

Trên thực tế, nhiều người có nhu cầu mua nhà đất đang đắn đo việc có nên vay ngân hàng không khi những gói ưu đãi lãi suất không còn hấp dẫn như trước. So với vài tháng trước, lượng khách tìm hiểu thông tin căn hộ ở trên thị trường sơ cấp và thứ cấp cũng hạn chế hơn khi khách hàng có tâm lý thăm dò và phòng thủ trong bối cảnh lạm phát, lãi suất tăng.

2. Hy vọng cơ chế vốn và pháp lý dự án đất nền khu vực phía Bắc dễ thở hơn

Việc thanh khoản thị trường chững lại đang ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư và người mua nhà ở thực. Ngay cả những người có nguồn tài chính dư dả cũng cẩn trọng quan sát và bất chấp những thông tin quy hoạch, đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm trên cả nước liên tục được đưa ra.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS VN cảnh báo rằng, thực trạng “mua dễ bán khó” đang hiện hữu. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư có thể mua bất bất động sản dễ dàng nhưng nếu muốn bán ra để thu hồi vốn sẽ gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý là nhiều nhà đầu tư còn đang sử dụng vốn vay để đầu tư bất động sản nên khi tài sản này có thanh khoản thấp sẽ dễ trở thành gánh nặng.

Trong khi đó, mối lo của thị trường bất động sản không chỉ với bên mua mà còn tác động dây chuyền do việc tắc vốn đem lại với nhà thầu xây dựng, nhà phát triển dự án. Theo ông Đính, tâm lý thị trường hiện nay đang xuống thấp, người mua nhà tỏ ra dè dặt nên những dự án khó bán hàng.

Hy vọng cơ chế vốn và pháp lý dự án đất nền khu vực phía Bắc dễ thở hơn
Hy vọng cơ chế vốn và pháp lý dự án đất nền khu vực phía Bắc dễ thở hơn

Ngoài ra, nguồn vốn tắc nghẽn dễ dẫn đến nguy cơ những dự án nhà ở hình thành trong tương lai nói riêng và thị trường bất động sản nói chung rơi vào trạng thái “nằm im thở khẽ”. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, trong thời gian tới, ít có khả năng Chính phủ cho phép tăng trưởng tín dụng mà vẫn sẽ tiếp tục giữ quan điểm quản lý chặt chẽ dòng vốn và tín dụng và bất động sản. Vì vậy, các nhà đầu tư và doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Ông Hiển cho biết: “Hiện nay, mua bán bất động sản có tình trạng giả danh nghĩa trên thị trường và giá giao dịch thực tế không giống nhau. Người muốn mua không tìm được đúng người bán mà họ cần nên dễ gặp phải cò đất đẩy giá. Do đó, giá đất trong thời gian tới chỉ có thể giảm khi người bán và người mua thống nhất được với nhau”.

Còn Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam, ông Sử Ngọc Khương nhận định, có ba vấn đề thị trường bất động sản phải đối mặt trong những tháng còn lại của năm, đó là giá bán cao, nguồn cung thấp và thanh khoản chậm. Nguyên nhân khiến thị trường bất động sản kém thanh khoản là vì quỹ đất hiện không phát triển được những dự án mới, vướng mắc pháp lý chậm được tháo gỡ và nhà đầu tư đẩy lợi nhuận kỳ vọng lên quá cao. Vì vậy, cần có giải pháp cải thiện nguồn cung để làm giảm áp lực tăng giá bất động sản, qua đó sẽ cải thiện được thanh khoản.

Ở một góc nhìn khác, Tổng giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Bắc, ông Vũ Cương Quyết cho rằng, thị trường bất động sản sẽ chỉ phát triển ổn định khi chính sách, cơ chế về vốn và hành lang pháp lý cho những dự án cởi mở hơn. Hiện nay, thanh khoản mặc dù chững lại ở nhiều phân khúc nhưng sẽ sớm tăng trưởng lại vì nhu cầu của người mua nhà ở thực vẫn rất lớn.

Vì vậy, thay vì đất nền, nhà ở có nhu cầu thực như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hoặc chung cư có mức giá vừa tầm tại đô thị lớn sẽ là phân khúc bất động sản chủ đạo trong thời gian tới. Bên cạnh đó, bất động sản du lịch cũng hứa hẹn nhiều khởi sắc khi những đường bay quốc tế được mở cửa trở lại, hoạt động du lịch phục hồi, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế quay trở lại các địa điểm du lịch sau dịch bệnh.

—————

Hãy follow và ấn theo dõi các nền tảng Rich Nguyen Academy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị:

ĐỪNG BỎ LỠ

CÔNG TY CỔ PHẦN

RICH NGUYEN ACADEMY

MST: 5701988820
Địa chỉ: Phòng 4011, Tòa C5 D'Capitale, Số 119 Trần Duy Hưng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Hotline: 1900.99.99.79
Email: info@richnguyen.vn

Theo dõi RichNguyen:

LIÊN HỆ

Rich Nguyen và đội ngũ luôn sẵn sàng hỗ trợ những nhà đầu tư bất động sản tiềm năng.

Copyright © Rich Nguyen 2021

1900999979
icons8-exercise-96 chat-active-icon