‘Gã khổng lồ’ bất động sản Trung Quốc đứng trước nguy cơ vỡ nợ; Vốn ngoại “chiếm sóng” M&A bất động sản; Đất nền phía Nam giảm giá vẫn ế người mua; Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu lập sàn giao dịch bất động sản; HoREA báo “tin mừng” cho các doanh nghiệp bất động sản. Đây là những nội dung đáng chú ý trong điểm tin bất động sản ngày 18/08/2023 cùng Rich Nguyen.
Mục lục
‘Gã khổng lồ’ bất động sản Trung Quốc đứng trước nguy cơ vỡ nợ
Ngày 14/8, cổ phiếu của “gã khổng lồ” bất động sản Trung Quốc Country Garden lao dốc, sau khi tập đoàn này lỡ hạn thanh toán trái phiếu và cảnh báo nguy cơ lỗ hàng tỷ đô la. Khó khăn của tập đoàn này càng gây lo ngại về cuộc khủng hoảng bất động sản sâu sắc ở nước này.
Để giảm tình trạng nợ nần của ngành, kể từ năm 2020, chính quyền dần thắt chặt điều kiện tiếp cận tín dụng cho ngành bất động sản, làm cạn kiệt nguồn tài chính cho nhiều công ty đã mắc nợ.
Một làn sóng vỡ nợ theo sau, đáng chú ý là của Evergrande, làm xói mòn niềm tin của những người mua tiềm năng và gây khủng hoảng trong toàn ngành.
Country Garden đặc biệt dễ bị ảnh hưởng khi thị trường đi xuống, vì tập đoàn chủ yếu tập trung vào phân khúc thấp của thị trường, với nhiều dự án ở các thành phố nhỏ, nơi người dân có sức mua yếu hơn.
Vốn ngoại “chiếm sóng” M&A bất động sản
Trong 7 tháng đầu năm, nhóm nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia tích cực tìm hiểu để tiến hành mua bán – sáp nhập (M&A) các dự án bất động sản, với tổng giá trị đạt khoảng 1,4 tỷ USD.
Trong bối cảnh thị trường gặp khó, vốn ngoại được kỳ vọng sẽ trở thành “lối thoát hiểm”, giúp doanh nghiệp địa ốc hồi phục. Các kết quả thăm dò chỉ ra, số lượng nhà đầu tư ngoại quan tâm tới dự án tại Việt Nam đang tăng mạnh. Dù vậy, những tháng đầu năm nay, các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản vẫn diễn tiến chưa nhanh.
Xét về phân khúc, bất động sản công nghiệp là phân khúc thu hút nhiều thương vụ M&A nhất (16 vụ mua bán thành công). Hiện khối nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 92% trong bên mua của các thương vụ M&A bất động sản tại Việt Nam, nhiều nhất là các doanh nghiệp đến từ Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc.
Đối với phân khúc nhà ở, khu đô thị, Gamuda mua thêm một dự án 3,68 ha tại TP. Thủ Đức với giá 305 triệu USD vào đầu tháng 7 là thương vụ dẫn đầu trong phân khúc. Ngoài ra, còn có một số thương vụ nổi bật khác như Keppel Corporation mua lại dự án 11,8 ha từ Khang Điền với giá 277 triệu USD và một dự án bán lẻ ở trung tâm TP. Hà Nội với giá khoảng 80 triệu USD.
Đất nền phía Nam giảm giá vẫn ế người mua
Sức mua đất nền tại khu vực phía Nam giảm mạnh. Phân khúc từng “sốt nóng” một thời vẫn đang trong tình trạng “đóng băng”.
Phân khúc đất nền tại khu vực phía Nam vẫn đắm chìm trong sự trầm lắng. Đây là thực tế phũ phàng được ghi nhận trong báo cáo tháng 7 của DKRA về thị trường địa ốc tại TP.HCM và vùng phụ cận (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tây Ninh).
Ngoài ra, mặt bằng giá sơ cấp cũng giảm trung bình 4 – 6% so với lần những mở bán trước cách đây 3 – 6 tháng. Hiện giá đất tại tỉnh Long An đang cao hơn so với mặt bằng chung các khu vực khác, lên tới 18,3 – 37,4 triệu đồng/m2. Những địa phương như Đồng Nai và Bình Dương lần lượt có giá dao động trong khoảng 11,8 – 14,5 triệu đồng/m2 và 15,4 – 16 triệu đồng/m2.
Trên thị trường thứ cấp, giá bán đất nền đã giảm trung bình 2 – 4% so với tháng trước. Khách hàng thường ưu tiên lựa chọn xuống tiền ở các dự án có chủ đầu tư uy tín, pháp lý đầy đủ, “sổ hồng trao tay”.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu lập sàn giao dịch bất động sản
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu thành lập sàn giao dịch bất động sản.
Theo đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33 ngày 11/3/2023 và để thị trường bất động sản hoạt động công khai, minh bạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch bất động sản.
Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo Bộ Xây dựng thực hiện nhiệm vụ nêu trên.
Theo chuyên gia bất động sản, mô hình sàn giao dịch đã quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản 2006.
Trước đó, quy định “giao dịch bất động sản phải thực hiện thông qua sàn” tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi được nhiều Đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, cho ý kiến tại kỳ họp hồi tháng 6 vừa qua.
HoREA báo “tin mừng” cho các doanh nghiệp bất động sản
Thống đốc NHNN đã gửi thông tin cho lãnh đạo HoREA với nội dung chủ đầu tư vẫn được vay kể cả dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh và cả dự án đủ điều kiện kinh doanh.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, trước đó, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đã gửi thông tin cho HoREA về việc Ngân hàng Nhà nước đã giao cho Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho kiểm tra lại Thông tư 06 để trích dẫn cho đúng quy định về điều kiện kinh doanh của Luật Kinh doanh bất động (nếu cần thiết).
“HoREA và cộng đồng doanh nghiệp cảm ơn Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã lắng nghe và đã khẳng định các chủ đầu tư vẫn được vay kể cả dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh và cả dự án đủ điều kiện kinh doanh. HoREA mong Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và cán bộ có thẩm quyền khẩn trương làm việc với HoREA vì chỉ còn 2 tuần nữa là Thông tư 06/2023/TT-NHNN sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2023”.
Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước mới đây, HoREA cho rằng, khoản 9, Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN) quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.
Theo HoREA, quy định này chưa đồng bộ, thống nhất với Điều 55 và khoản 1 Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, do khái niệm “dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh” của khoản 9, Điều 8, Thông tư 39/2016/TT-NHNN khác với khái niệm “điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh” của Điều 55 và khoản 1, Điều 56, Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
Do vậy, khoản 9, Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã “bít đường” vay tín dụng đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị ngay tại thời điểm mà chủ đầu tư có nhu cầu bổ sung vốn tín dụng cao nhất để triển khai thực hiện xây dựng các công trình của dự án.
—————-
Hãy follow và ấn theo dõi các nền tảng Rich Nguyen Academy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị:
- Youtube : RICH NGUYEN
- Fanpage : Rich Nguyen Academy
- Facebook diễn giả: Rich Nguyen
ĐỪNG BỎ LỠ