Khởi động 3 dự án giao thông trọng điểm: Chắp cánh vùng kinh tế phía Nam; Hà Nội sẽ lập thành phố ở phía Bắc và phía Tây; Bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn, phần thiệt nhiều thuộc về người dân; Khắc phục tồn tại, hạn chế trong Luật Kinh doanh bất động sản; Nút thắt hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đang được tháo gỡ; Bộ trưởng Tài chính: ‘Tiền trao cháo múc, chủ đầu tư nộp ngân sách mới giao đất’. Đây là những nội dung đáng chú ý trong điểm tin bất động sản ngày 23/06/2023 cùng Rich Nguyen.
Mục lục
1. Khởi động 3 dự án giao thông trọng điểm: Chắp cánh vùng kinh tế phía Nam
Sáng 18/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bấm nút khởi công đồng loạt dự án đường Vành đai 3 TPHCM, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và Biên Hòa – Vũng Tàu. Đây là những dự án quan trọng, được kỳ vọng tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông cho vùng kinh tế phía Nam.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, đến nay, ngành GTVT đã đưa vào khai thác sử dụng khoảng 1.729km đường bộ cao tốc, tuy nhiên vùng động lực kinh tế Đông Nam Bộ mới có 147km đường cao tốc, vùng tiềm năng Tây Nguyên cũng chỉ có 19km đường cao tốc. Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu phấn đấu đến 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, Bộ GTVT cùng phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua, ban hành các Nghị quyết về chủ trương đầu tư với 3 dự án nêu trên.
Giới thiệu về các dự án, ông Lê Anh Tuấn cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài 76,3km đi qua bốn địa phương TPHCM, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Sơ bộ, tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ đồng. Dự án được phân chia làm tám dự án thành phần gồm bốn dự án thành phần xây dựng, bốn dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn các địa phương. Theo kế hoạch, dự án cơ bản hoàn thành và thông xe 4 làn cao tốc vào năm 2025, hoàn thành toàn bộ vào năm 2026.
2. Hà Nội sẽ lập thành phố ở phía Bắc và phía Tây
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 700/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
Theo đó, phạm vi ranh giới lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 12 quận; 17 huyện; 1 thị xã). Quy mô lập quy hoạch khoảng 3.359,84km2 (số liệu diện tích cụ thể sẽ được xác định trong quá trình nghiên cứu lập đồ án quy hoạch trên cơ sở cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).
Đáng chú ý, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai) ; xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân – Nội Bài (Võ Nguyên Giáp); quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.
Mục tiêu Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được xác định là phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa.
3. Bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn, phần thiệt nhiều thuộc về người dân
Nhiều ĐBQH băn khoăn với quy định bắt buộc phải giao dịch bất động sản qua sàn thay thế cho việc công chứng sẽ khiến người dân có nguy cơ chịu nhiều thiệt thòi.
Theo đại biểu Hoàng Ngọc Định, đoàn Hà Giang, Điều 57 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định bắt buộc phải giao dịch bất động sản qua sàn. Quy định như vậy sẽ gây ra nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, vì dự thảo luật không giải thích về lý do các giao dịch bất động sản bắt buộc phải qua sàn, cũng chưa có thông tin về những nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động của quy định này.
Chia sẻ quan điểm trên, đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn Thái Bình chỉ ra nhiều khoản chồng chéo giữa Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với Luật Nhà ở do các khái niệm không được xác định rõ.
Nêu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định năng lực tài chính với các chủ đầu tư được cấp phép các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản. Việc này nhằm đảm bảo chủ đầu tư phải đảm bảo đủ năng lực tài chính để triển khai thì mới làm dự án đúng tiến độ và đáp ứng yêu cầu.
Theo Bộ trưởng, việc chủ đầu tư chưa nộp vào ngân sách là chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, người dân mãi mãi phải đi kiện, chính quyền phải giải quyết bất ổn, gây mất lòng tin. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị cần có quy định để chủ đầu tư nào nộp tiền vào ngân sách, thực hiện nghĩa vụ tài chính mới được giao đất.
4. Khắc phục tồn tại, hạn chế trong Luật Kinh doanh bất động sản
Cho ý kiến tại hội trường về dự án Luật Nhà ở sửa đổi, nhiều đại biểu đánh giá chính sách về nhà ở xã hội là một trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này. Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho biết, chính sách trên được thể hiện trong các quy định chung và Chương 6 của dự thảo Luật. Qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng chính sách này được thể hiện trong dự thảo chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn.
Đại biểu đề nghị chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, cụ thể là tập trung xác định mục tiêu cốt yếu là việc phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu có chỗ ở phù hợp cho người dân chứ không phải là nhu cầu sở hữu nhà ở. Với định hướng đó, quy định về nhà ở xã hội cần được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê bằng nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên: chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân.
Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 8 năm thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật này với các luật khác có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự án luật được xây dựng trên quan điểm giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến bất động sản như đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương về thị trường bất động sản; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh; đảm bảo vận hành các quan hệ về kinh doanh bất động sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
5. Nút thắt hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đang được tháo gỡ
Vùng ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế phía Nam của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, kết nối với khu vực Đông Nam Á và thế giới. Khu vực này là trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước nhưng phần lớn lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL đều thông qua cảng biển khu vực TPHCM. Chính điều này làm giảm sức cạnh tranh hàng hóa của vùng, tăng chi phí logistics.
Hạ tầng giao thông ở khu vực ĐBSCL phát triển chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Ông Phan Hoàng Phương, Viện Chiến lược Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, mặc dù trục dọc trên tuyến quốc lộ 1 tuyến huyết mạch đã được cải tạo nhưng tình hình ùn tắc vẫn diễn ra, đặc biệt là cầu vượt sông không đồng bộ với toàn tuyến. Ngoài ra, vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng về phát triển đường thủy nội địa nhưng tận dụng, khai thác tuyến đường này vẫn còn hạn chế.
Để giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng thì thời gian qua vùng ĐBSCL đã và đang được đầu tư mạng lưới đường bộ cao tốc. Trong đó, vùng ĐBSCL sẽ có 6 tuyến cao tốc gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang và khi hoàn thiện các cao tốc sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của vùng.
Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cùng 13 địa phương xây dựng 16 đề xuất dự án cho phát triển vùng ĐBSCL. Mục tiêu của các dự án nhằm tăng cường hệ thống giao thông kết nối các địa phương; xây dựng hoàn thiện hệ thống đường ven biển; nâng cao khả năng quản lý nguồn nước, chống chịu và ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển vùng.
6. Bộ trưởng Tài chính: ‘Tiền trao cháo múc, chủ đầu tư nộp ngân sách mới giao đất’
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, nhiều chủ đầu tư không nộp tiền ngân sách, không thực hiện nghĩa vụ tài chính khiến hàng nghìn người dân không được cấp sổ đỏ, dẫn đến khiếu nại kéo dài.
Thảo luận tại tổ về luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi chiều 19.6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, dự luật chưa quy định năng lực tài chính của chủ đầu tư. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định chủ đầu tư phải đảm bảo đủ năng lực tài chính mới được cấp phép các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản. Có như vậy dự án mới triển khai đúng tiến độ và quy định.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay có tình trạng không cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hàng trăm nghìn người dân không được cấp vì các chủ đầu tư nợ tiền nộp ngân sách nhà nước. Quy định luật là giao đất cho doanh nghiệp, sau đó mới xác định tiền sử dụng đất, nếu doanh nghiệp không nộp thì mới phạt chậm nộp, nhưng tiền phạt thấp hơn lãi ngân hàng.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính: “Tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân là dân sự, đưa ra tòa. Nếu có dấu hiệu lừa đảo thì chỉ bắt chủ đầu tư đi tù, nhưng hàng nghìn người dân không được cấp chứng nhận thì ai giải quyết? Chủ đầu tư chưa nộp vào ngân sách thì chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, người dân mãi mãi phải đi kiện, chính quyền phải giải quyết bất ổn này, mất lòng tin”.
Ông Phớc đề nghị quy định trong luật chủ đầu tư nào nộp tiền vào ngân sách, thực hiện nghĩa vụ tài chính mới được giao đất. “Ông cha nói tiền trao cháo múc, tiền chưa trao mà cháo đã múc thì hôm sau lại phải đi đòi nợ”, Bộ trưởng Phớc ví von.
—————-
Hãy follow và ấn theo dõi các nền tảng Rich Nguyen Academy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị:
- Youtube : RICH NGUYEN
- Fanpage : Rich Nguyen Academy
- Facebook diễn giả: Rich Nguyen
ĐỪNG BỎ LỠ