Ngàn người chen giành suất mua 149 căn nhà ở xã hội, thị trường đã rao giá gần gấp đôi; Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, đủ lý do khiến có tiền chưa tiêu được; Săn đất vùng ven, người mua bị lạc vào “mê cung” thông tin rao bán, không biết đúng, sai thế nào; Lãi suất “hạ nhiệt”, room tín dụng đã mở… vậy đâu là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư xuống tiền; Nhiều tín hiệu cho thấy thị trường chứng khoán sẽ có “sóng” trong nửa cuối năm 2023; Ngân hàng lay lắt, khó thu hồi nợ vì bất động sản “đóng băng”; Tây Hồ: Hạ tầng đồng bộ, bất động sản tăng sức hút với giới tinh hoa. Đây là những nội dung đáng chú ý trong điểm tin bất động sản ngày 26/05/2023 cùng Rich Nguyen.
1. Ngàn người chen giành suất mua 149 căn nhà ở xã hội, thị trường đã rao giá gần gấp đôi
Sáng 20-05, tại nhà thi đấu quận Cầu Giấy, hơn 1.300 người đã tham gia bốc thăm mua 149 căn hộ tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Theo thông báo của Sở xây dựng TP Hà Nội, giá căn hộ tại dự án khoảng 19,5 triệu đồng/m2, đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì 371.869 triệu đồng/m2.
Đây là mức giá bán dự án nhà ở xã hội lần đầu cao nhất từ trước đến nay tại TP Hà Nội. Trước đó, giá bán nhà ở xã hội trên địa bàn được Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt thông thường 13-17 triệu đồng/m2.
Buổi bốc thăm có 1.300 hồ sơ tham gia, qua đó chọn ra 149 hồ sơ trúng suất mua căn hộ nhà ở xã hội, tỉ lệ cạnh tranh để trúng suất mua nhà là 1/9, và 1.151 hồ sơ tham gia bốc thăm sẽ bị loại.
Cũng theo thống báo của Sở Xây dựng Hà Nội, bên cạnh những căn hộ được bán cho người thu nhập thấp, giá thuê căn hộ tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn khoảng 99.000/m2/tháng.
Với giá mua, thuê nhà ở xã hội vừa được Sở Xây dựng công bố, để sở hữu căn nhà nhỏ nhất(diện tích 69,9m2) tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, người mua cần bỏ ra số tiền 1,3-1,5 tỷ đồng cho căn lớn nhất(diện tích 76,8m2).
Đáng lưu ý, trước phiên bốc thăm chọn suất mua nhà, nhiều website bất động sản đã rầm rộ rao bán căn hộ dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn với giá chênh lệch rất lớn, 20-38 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí căn hộ, gần gấp đôi giá bán được Sở Xây dựng TP Hà Nội công bố.
Mục lục
2. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, đủ lý do khiến có tiền chưa tiêu được
Chính phủ đã thông qua gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhưng sau 2 tháng triển khai đến nay chưa thể giải ngân vì khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội và nhiều lý do khác.
Về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Bắc, phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho hay nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế; quỹ đất dành cho nhà ở xã hội chưa sẵn sàng; ưu đãi dành cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thật sự hấp dẫn; việc xác định giá bán nhà chưa thuận lợi đang ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở xã hội, tiến độ giải ngân vốn.
Đến nay, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết hầu hết các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuộc diện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng đang trong giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng.
Theo ông Sinh, đến nay có đến 87 dự án nhà ở xã hội được cấp phép xây dựng, đây là những dự án sẵn sàng tiếp nhận vốn vay ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng thời gian tới.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng lãi vay từ 8,2 – 8,7%/năm với các dự án nhà ở xã hội từ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng vẫn quá cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới gói tín dụng ưu đãi này chưa thể giải ngân.
3. Săn đất vùng ven, người mua bị lạc vào “mê cung” thông tin rao bán, không biết đúng, sai thế nào
Mặc dù thị trường diễn biến trầm lắng, song cùng một mảnh đất nhưng nhiều “cò đất” vẫn đưa ra các mức giá khác nhau, chênh hàng trăm triệu đồng.
Việc các môi giới bất động sản kê chênh giá bán không phải xa lạ tưởng như chuyện này chỉ xảy ra trong lúc thị trường bất động sản sôi động. Song, bất chấp thị trường hiện nay vẫn đang diễn biến trầm lắng, nhiều “cò đất” vẫn ngang nhiên kê chênh giá hàng trăm triệu đồng. Khiến người mua cảm thấy hoang mang, dè chừng.
Hiện nay, tại các hội nhóm bất động sản trên mạng xã hội đang xôn xao về một mảnh đất đang được rao bán tại Tân Lạc, Hòa Bình. Mặc dù cùng một mảnh đất, song các môi giới đăng bán với các diện tích khác nhau từ 2.000-8.000m2. Trong trường hợp thông tin về diện tích bằng nhau thì mức giá lại chênh tới hàng trăm triệu đồng. Thực tế, việc cùng một mảnh đất nhưng mỗi môi giới lại báo giá khác nhau khiến không ít nhà đầu tư rơi vào lúng túng, dè chừng.
4. Thị trường địa ốc đón loạt tín hiệu đáng mừng: Lãi suất “hạ nhiệt”, room tín dụng đã mở… vậy đâu là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư xuống tiền?
Nguồn cung bất động sản vẫn tiếp tục khan hiếm trong khi lãi suất đã “hạ nhiệt” room tín dụng đã mở. Quý 3,4/2023 có lẽ là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư nghiên cứu và quyết định “xuống tiền”.
Các chuyên gia VARS nhận định, giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ đang có dấu hiệu chậm lại. Dự báo đến hết quý 2/2023, khả năng giai đoạn thắt chặt tiền tệ sẽ kết thúc.
Tại Việt Nam chỉ trong tháng 3/2023, NHNN liên tiếp có 2 đợt điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Sau động thái này, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất huy động.
Nguồn cung bất động sản vẫn tiếp tục khan hiếm trong khi lãi suất đã “hạ nhiệt”, room tín dụng đã mở. Đây có lẽ là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư nghiên cứu và quyết định “xuống tiền”. Bởi thị trường bất động sản ở quý 1/2023 đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực nhờ vào động thái hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ. Ghi nhận của VARS tại các khu vực trên cả nước cho thấy, từ giữa quý 2/2023, nhà đầu tư đã bắt đầu “săn tìm” những mảnh đất màu mỡ với dư địa phát triển lớn. Một số khu vực đã có nhiều tín hiệu khởi sắc rõ nét với lượng giao dịch ghi nhận thành công ngày càng nhiều.
5. Nhiều tín hiệu cho thấy thị trường chứng khoán sẽ có “sóng” trong nửa cuối năm 2023
Theo BSC, quý 2/2023 có thể là quý mở ra nhiều cơ hội đầu tư tốt trong trung và dài hạn.
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán BSC đánh giá thị trường chứng khoán quý 1 ghi nhận sự phân hóa diễn ra tương đối sâu sắc ở nhiều nhóm ngành nghề.
Trong đó, hiệu suất các nhóm ngành tài chính, nguyên vật liệu và năng lượng đều ghi nhận mức tích cực hơn VN-Index. BSC điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP xuống mức 5,8% theo kịch bản tích cực ( so với mức 6,7% đầu năm 2023) và 5,4% theo kịch bản tiêu cực.
Quý 2/2023 có thể mở ra nhiều cơ hội đầu tư tốt trong trung và dài hạn. Trong quá khứ, khi tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) cao hơn lãi suất huy động, kênh chứng khoán sẽ dần hấp dẫn hơn và thông thường thị trường sẽ chứng kiến đợt hồi phục tăng điểm trong giai đoạn tiếp theo. Hiện tại, BSC cho rằng khoảng cách giữa 2 tỷ suất trên có thể sẽ dần được nới rộng, qua đó mở ra tín hiệu thị trường sẽ dần hồi phục trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024.
Xét trên phía định giá ngành, một số nhóm cho thấy mức định giá hấp dẫn hơn so với quá khứ có thể kể đến như nhóm ngành ngân hàng, bất động sản, công nghiệp, thủy sản, dầu khí, bán lẻ.
Ngược lại, một số nhóm ngành có định giá cao hơn quá khứ chủ yếu là nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng mạnh về triển vọng lợi nhuận 2023 như dệt may, tài nguyên cơ bản, cảng biển và dịch vụ hàng không.
6. Ngân hàng lay lắt, khó thu hồi nợ vì bất động sản “đóng băng”
Thị trường bất động sản “đóng băng”, nhiều ngân hàng khó khăn trong việc thu hồi nợ bằng bán tài sản đảm bảo. Những bất động sản giá trị từ vài tỷ cho đến mấy chục tỷ đồng được ra bán nhiều lần vẫn “ế ẩm”.
Báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tính tới cuối tháng 2 năm nay, nợ xấu toàn hệ thống đã ngấp nghé mức 3%, cao gấp đôi cuối năm 2021. Nợ xấu gộp toàn hệ thống đã lên tới mức 5%.
Tại báo cáo cập nhật ngành ngân hàng quý I vừa qua của công ty Chứng khoán VNDirect, khó khăn từ thị trường bất động sản vẫn là một thử thách lớn cho triển vọng ngành ngân hàng khi lĩnh vực này chiếm đến 21% tín dụng hệ thống vào cuối 2022.
Còn theo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nợ xấu có xu hướng gia tăng do sự “đóng băng” của thị trường bất động sản và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và người vay tiền có xu hướng yếu đi trong môi trường lãi suất cao, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.
Nhóm phân tích cho rằng các ngân hàng có thể ghi nhận các khoản nợ xấu tăng nhanh trong năm nay, áp lực trích lập dự phòng cao dần về nửa cuối năm.
7. Tây Hồ: Hạ tầng đồng bộ, bất động sản tăng sức hút với giới tinh hoa
Hạ tầng Tây Hồ đẩy mạnh phát triển đồng bộ, hiện đại. Quận Tây Hồ sở hữu hệ thống giao thông ấn tượng với các đại lộ huyết mạch 8-10 làn xe kết nối đến các quận, huyện lân cận. Giao thông thuận tiện sẽ kéo theo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư phát triển và quận Tây Hồ cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Với những giá trị to lớn đến từ việc có các đại lộ huyết mạch chạy qua, khu vực Tây Hồ đã nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư trong và ngoài nước. Có thể thấy dọc các trục đường như Võ Chí Công, Nguyễn Hoàng Tôn, Lạc Long Quân,…chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, vui chơi, giải trí và trường học quốc tế, bệnh viện phát triển mạnh mẽ hơn.
Sự phát triển của hạ tầng không chỉ là đòn bẩy giúp cho giá trị bất động sản tại đây tăng trưởng mà còn kéo theo sự xuất hiện của nhiều dự án bất động sản quy mô và cao cấp. Sự có mặt của các dự án lớn kéo theo yếu tố hạ tầng đi lên, tạo thành vòng tuần hoàn phát triển bền vững cho khu vực.
—————-
Hãy follow và ấn theo dõi các nền tảng Rich Nguyen Academy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị:
- Youtube : RICH NGUYEN
- Fanpage : Rich Nguyen Academy
- Facebook diễn giả: Rich Nguyen
ĐỪNG BỎ LỠ