Điểm tin bất động sản ngày 28/10/2022 cùng Rich Nguyen
 

Điểm tin bất động sản ngày 28/10/2022 cùng Rich Nguyen

28/10/2022

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng trần lãi suất huy động, Chứng khoán rớt thành quả 15 năm, Miền Trung có thể được chia thành 2 tiểu vùng, 3.700 tỷ đồng xây khu công nghiệp thông minh ở Cần Thơ, Hà Nội giao năm huyện lập đề án lên quận; Kiến nghị tăng hơn 16.000 tỷ đồng vốn Metro Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo là những nội dung đáng chú ý trong điểm tin bất động sản ngày 28/10/2022 cùng Rich Nguyen.

1. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng trần lãi suất tiền gửi huy động

Trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng tăng lên 6%/ năm từ ngày 25/10 sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành lần thứ hai trong tháng. Vào cuối ngày 24/10, NHNN thông báo điều chỉnh 1 loạt lãi suất điều hành và áp dụng bắt đầu từ ngày 25/10.

Lãi suất tối đa với tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng và không kỳ hạn tăng từ mức 0,5% lên 1%/ năm, lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng từ 5% lên 6%/ năm. Riêng lãi suất tối đa với tiền gửi bằng VND tại tổ chức tài chính vi mô, Quỹ tín dụng nhân dân từ 5,5% lên 6,5%/ năm.

Lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do ngân hàng ấn định dựa trên cơ sở cung cầu vốn thị trường. Như vậy, chỉ trong 2 lần điều chỉnh trở lại đây, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng đã quay về mức trước dịch và tương đương với thời điểm 2014.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng trần lãi suất tiền gửi huy động
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng trần lãi suất tiền gửi huy động

Với những lãi suất điều hành khác, lãi suất tái cấp vốn từ 5% tăng lên 6% một năm, lãi suất tái chiết khấu từ 3,5% tăng lên 4,5%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và lãi suất cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các tổ chức tín dụng tăng từ 6% lên 7%/ năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các tổ chức tín dụng với khách vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ cho một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ 4,5% tăng lên 5,5%/ năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Tổ chức tài chính vi mô và Quỹ tín dụng nhân dân với các nhu cầu vốn này từ 5,5% tăng lên 6,5% một năm. Tính đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay cá nhân lên 13% và doanh nghiệp khoảng 9%, đã tăng khoảng 2%/ năm so với đầu năm.

2. Chứng khoán rớt thành quả 15 năm

Những tin đồn liên quan đến lãi suất ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp bất động sản,… liên tục bị lan truyền trong nhóm chat về chứng khoán khiến tâm lý bất an của các nhà đầu tư càng dâng cao hơn.

Vào năm 2007, VN-Index từng vượt mốc 1.000 điểm, rồi giảm sâu, mãi tới năm 2020 mới trở lại mốc này nhưng đến phiên 24/10 đã bị xuyên thủng. Việc thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm còn tới từ diễn biến vào sáng ngày 24/10 khi NHNN tiếp tục nâng mạnh giá bán USD ở sở giao dịch từ 24.380 đồng lên 24.870 VND/USD.

Chứng khoán rớt thành quả 15 năm
Chứng khoán rớt thành quả 15 năm

Trong bối cảnh tỷ giá căng thẳng, về nguyên lý, các nhà đầu tư nước ngoài có khuynh hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán mới nổi như Việt Nam với mục đích là để mang tiền về những nước phát triển như Mỹ nhằm hưởng lợi từ việc đồng bạc xanh tăng giá.

3. Miền Trung có thể được chia thành 2 tiểu vùng

Chính phủ đề xuất giữ nguyên không gian phát triển quốc gia theo 6 vùng kinh tế – xã hội, chia miền Trung và Trung du miền núi phía Bắc thành hai tiểu vùng.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 để trình Quốc hội xem xét.

6 vùng kinh tế – xã hội được Chính phủ đề xuất giữ nguyên bao gồm: đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành), Trung du và miền núi phía Bắc (14 tỉnh), Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành) và đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành), Tây Nguyên (5 tỉnh), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành).

Trung du và miền núi phía Bắc dự kiến chia thành 2 tiểu vùng là Đông Bắc, Tây Bắc; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ chia thành Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ.

Miền Trung có thể được chia thành 2 tiểu vùng
Miền Trung có thể được chia thành 2 tiểu vùng

Theo Nghị quyết của Chính phủ, giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam sẽ phấn đấu tăng trưởng GDP bình quân đạt mốc 7%/năm, trong đó 2 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng tăng khoảng 8 – 8,5%/năm. Năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt mức 7.500 USD.

Ngoài ra, 2 vùng động lực phía nam và phía bắc sẽ hình thành, gắn với 2 cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội và Thành phố HCM, Mộc Bài – Thành phố Hồ Chí Minh – Vũng Tàu, các hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, hành lang kinh tế Bắc – Nam với kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của đất nước.

Ước tính quy mô dân số Việt Nam tới năm 2030 đạt 105 triệu người; tuổi thọ bình quân là 75; thời gian sống khỏe mạnh tối thiểu là 68 năm. Diện tích sàn nhà ở theo bình quân đầu người tại thành phố là 32 m2. Việt Nam sẽ vào nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á; chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm những nước tiên tiến trong khu vực. Trung bình 10.000 dân sẽ có khoảng 260 sinh viên đại học; 19 bác sĩ; 35 giường bệnh.

Theo Nghị quyết, có 4 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá để phát triển quốc gia bao gồm: Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đất nước, tập trung vào hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng, hạ tầng số…; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế và không gian phát triển, ưu tiên phát triển một số lĩnh vực, ngành có tiềm năng; phát triển những vùng động lực và cực tăng trưởng quốc gia quan trọng; hình thành và phát triển hành lang kinh tế theo trục Bắc – Nam và Đông – Tây kết nối với cảng biển, cửa khẩu quốc tế, cảng hàng không.

4. 3.700 tỷ đồng xây dựng khu công nghiệp thông minh ở Cần Thơ

Giai đoạn 1 dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh có diện tích hơn 293 ha với số vốn đầu tư là 3.700 tỷ đồng, tập trung phát triển theo hướng xanh, thông minh và bền vững.

Chứng nhận đầu tư Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh được Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ trao cho đại diện các nhà đầu tư vào ngày 25/10. Khu công nghiệp quy mô 900ha có giao thông thuận lợi, liên kết tốt với các tỉnh miền Tây để khai thác hiệu quả lợi thế của khu vực.

Dự án nằm gần đường dẫn cầu Vàm Cống đi TP HCM và Kiên Giang, dọc theo vị trí quy hoạch dự án đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Riêng tuyến cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi là trục đi qua dự án.

3.700 tỷ đồng xây dựng khu công nghiệp thông minh ở Cần Thơ
3.700 tỷ đồng xây dựng khu công nghiệp thông minh ở Cần Thơ

Giai đoạn 1 dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh với quy mô hơn 293 ha, được thiết kế với mục đích là tích hợp công nghệ tiên tiến trong các hoạt động, dự kiến sẽ khởi công vào năm 2023. Sau khi khi hoàn thành có khả năng tạo việc làm cho 15.000 – 20.000 người lao động.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Ông Trần Việt Trường cho biết, đây là dự án trọng điểm và có sức lan tỏa trong khu vực. Dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh được quy hoạch theo tiêu chí công nghiệp xanh, sạch và thân thiện với môi trường, đồng thời tạo nguồn thu cho thành phố…

Bên cạnh đó, dự án phù hợp định hướng quy hoạch liên quan vùng sinh thái công nghiệp Thốt Nốt – Vĩnh Thạnh, trục giao thông, trung tâm logistics, trung tâm liên kết, chế biến, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở Thành phố Cần Thơ. Hiện nay, TP Cần Thơ có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 2.300 ha, thu hút 256 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 1,65 tỷ USD, thuê gần 400ha đất.

Xem FULL video điểm tin bất động sản ngày 28/10 cùng Rich Nguyen tại đây:

5. Hà Nội giao năm huyện lập đề án lên quận

Các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ủy quyền lập đề án thành lập quận và phường trực thuộc. Theo quyết định công bố ngày hôm nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao 5 huyện thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí lập đề án. Sở Tài chính bố trí vốn để lập đề án và hướng dẫn các huyện thủ tục, cũng như trình tự thanh quyết toán. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ sẽ theo dõi, tham mưu thành phố giải quyết các vướng mắc trong quá trình lập đề án.

Thời hạn Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ủy quyền cho các huyện trên lập đề án lên quận từ nay tới hết 31/12/2025. Theo chương trình Thành ủy Hà Nội đã ban hành trước đó, 5 huyện sẽ lên quận trong giai đoạn 2021 – 2025 gồm Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Đan Phượng và 3 huyện lên quận trong giai đoạn 2026 – 2030 gồm Thường Tín, Thanh Oai, Mê Linh.

Hà Nội giao năm huyện lập đề án lên quận
Hà Nội giao năm huyện lập đề án lên quận

Tuy nhiên, vào ngày 12/10, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm trước kỳ họp thứ 4, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 có 3 – 5 huyện lên quận, nhưng “nếu dàn hàng ngang thì khó thành công”. Do đó, thành phố sẽ hỗ trợ và quyết tâm đưa 2 huyện Gia Lâm, Đông Anh lên quận vào năm 2023.

Trong 5 huyện được định hướng lên quận, Đông Anh là khu vực có quy mô lớn nhất. Kế tiếp là Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng và Thanh Trì có quy mô nhỏ nhất trong 18 huyện, thị xã của thành phố Hà Nội.

6. Kiến nghị tăng hơn 16.000 tỷ đồng vốn dự án metro Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo

Ủy ban thành phố Hà Nội đang hoàn thiện báo cáo và trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, kiến nghị Chính phủ lùi thời hạn hoàn thành dự án sang năm 2027, tổng số vốn đầu tư tăng hơn 16.000 tỷ đồng.

Được biết vì dự án lập từ năm 2008 nhưng đến nay mới triển khai nên phải điều chỉnh tổng số vốn đầu tư từ mức 19.555 lên hơn 35.600 tỷ đồng, lùi thời gian hoàn thành từ năm 2015 sang 2027.

Nội dung điều chỉnh vốn cùng thời hạn hoàn thành dự án đã được trình từ năm 2016 và được Bộ Kế hoạch & Đầu tư thẩm định từ năm 2018. Thế nhưng, vì ga ngầm C9 của tuyến lúc đó chưa chốt được vị trí nên vẫn chưa thể điều chỉnh. “Hiện nay, ga ngầm C9 đã được xác định vị trí nên Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trình lại nội dung này”.

Kiến nghị tăng hơn 16.000 tỷ đồng vốn dự án metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo
Kiến nghị tăng hơn 16.000 tỷ đồng vốn dự án metro Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo

Tuyến metro Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2008, thời gian thực hiện là năm 2009-2015. Điểm đầu tuyến ở khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài – Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Thụy Khuê – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài và kết thúc ở phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).

Theo phương án đã được phê duyệt ban đầu, tuyến đường sắt sẽ dài 11,5 km, trong đó đoạn trên cao 2,6 km và đoạn ngầm gần 9 km. Dự án dùng vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước và vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.

—————-

Hãy follow và ấn theo dõi các nền tảng Rich Nguyen Academy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị:

ĐỪNG BỎ LỠ

CÔNG TY CỔ PHẦN

RICH NGUYEN ACADEMY

MST: 5701988820
Địa chỉ: Phòng 4011, Tòa C5 D'Capitale, Số 119 Trần Duy Hưng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Hotline: 1900.99.99.79
Email: info@richnguyen.vn

Theo dõi RichNguyen:

LIÊN HỆ

Rich Nguyen và đội ngũ luôn sẵn sàng hỗ trợ những nhà đầu tư bất động sản tiềm năng.

Copyright © Rich Nguyen 2021

1900999979
icons8-exercise-96 chat-active-icon