Trong bối cảnh bất động sản được kiểm soát chặt chẽ, rất nhiều chuyên gia dự đoán rằng, thị trường sẽ không có thanh khoản. Thế nhưng, theo thống kê của Bộ Xây dựng, chung cư và đất nền lại bùng nổ về giao dịch trong thời gian tín dụng thắt chặt.
1. Tín dụng bất động sản chủ yếu đổ về các khu đô thị
Với lĩnh vực bất động sản. Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%). Trong đó tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản; tín dụng BĐS phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.
Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng bất động sản chậm lại sau nhiều năm chính là kết quả của việc kiểm soát, cũng như thắt chặt nguồn tiền đổ vào ngành này.
Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng ngân hàng tài trợ cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện tại chỉ chiếm khoảng 35%, tương đương 0,78 triệu tỷ đồng. Trong đó, 23,2% khoản vay là để đầu tư khu đô thị.
Theo nhận định của một số ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay mua bất động sản hiện nay vẫn duy trì ổn định để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hồi phục sau dịch bệnh Covid-19. Thế nhưng, về lâu dài, mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại sẽ phụ thuộc điều kiện lãi suất chung trên thị trường và sức ép lạm phát trong thời gian tới.
2. Lượng giao dịch của thị trường bất động sản tăng vọt từ đầu quý II
Theo số liệu Bộ Xây dựng tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, lượng giao dịch bất động sản trong quý II năm 2022 tăng vọt so với quý I, mặc dù các ngân hàng bắt đầu kiểm soát tín dụng bất động sản trong thời gian này. Cụ thể, lượng giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý II là 69.079 (tập trung chủ yếu ở Long An, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ). Tổng lượng giao dịch thành công bằng khoảng 340% so với quý I năm 2022 và bằng khoảng 230% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 15.223 giao dịch ở miền Bắc, 19.565 giao dịch ở miền Trung và 34.291 giao dịch ở miền Nam. Riêng tại Hà Nội có 1.317 giao dịch thành công và tại thành phố Hồ Chí Minh có 8.284 giao dịch thành công.
Đặc biệt, lượng giao dịch đất nền bùng nổ trở lại trong quý II năm 2022 với 213.018 giao dịch thành công. Tổng lượng giao dịch là khoảng 138,7% so với quý I năm 2022 (153.537 giao dịch). Đáng chú ý, lượng giao dịch ở miền Nam bằng gần 150% so với miền Trung và 200% so với miền Bắc. Cụ thể, ở miền Bắc có 39.451 giao dịch, ở miền Trung có 69.088 giao dịch và ở miền Nam có 104.479 giao dịch.
Lượng giao dịch gia tăng chủ yếu tập trung ở nửa đầu quý II khi người dân ồ ạt đi gom bất động sản trước nỗi lo lạm phát tăng cao. Thế nhưng, từ nửa sau quý II, các ngân hàng kiểm soát tín dụng bất động sản, đây mới chỉ là giai đoạn đầu nên chưa ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường. Theo dự đoán của các chuyên gia, lượng giao dịch có thể sẽ tụt giảm vào quý III năm 2022.
3. Không phát sinh hàng tồn kho các sản phẩm có nhu cầu thực
Bộ Xây dựng cho biết, trong quý II năm 2022, tổng lượng giao dịch thành công là 69.079 và có 27.160 căn nhà đủ điều kiện đưa vào giao dịch. Theo đánh giá, khả năng hấp thụ của thị trường bất động sản quý II tốt hơn.
Nhìn chung, trong nửa đầu năm 2022, nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư và mua sử dụng của người dân vẫn cao. Các phân khúc nhà riêng lẻ, nhà ở chung cư và đất nền hầu như không phát sinh lượng hàng tồn kho.
Cũng theo Bộ Xây dựng, hầu hết các dự án được mở bán đều có tính thanh khoản tốt, hầu như không có sản phẩm tồn và không có giao dịch. Hiện nay, số lượng tồn kho bất động sản phần lớn chỉ có ở phân khúc nhà ở cao cấp, căn hộ, du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là những dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi, thuộc về nhà đầu tư thứ cấp.
Báo cáo đánh giá tổng kết quý II của Bộ Xây dựng cho biết, nguồn cung mới những sản phẩm bất động sản ở mọi phân khúc trong nửa đầu năm 2022 đều hạn chế. Theo đó, nguồn cung mới bị hạn chế chủ yếu là bởi việc siết chặt các thủ tục pháp lý của dự án.
Hơn nữa, việc dòng vốn cho thị trường bất động sản bị thu hẹp từ nhiều phía như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng và sự suy giảm của thị trường trái phiếu,… cũng là lý do khiến nguồn cung hạn chế. Trong nửa đầu năm 2022, nhà ở và đất nền là những loại hình bất động sản thu hút sự quan tâm nhiều nhất, đặc biệt là phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở thương mại trung cấp, nhà ở xã hội nhưng nguồn cung cho phân khúc này tương đối ít.
Tình hình giao dịch bất động sản trên thị trường sơ cấp và thứ cấp đã cải thiện hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đang có xu hướng chững lại so với thời điểm cuối năm 2021. Các giao dịch chủ yếu vẫn tập trung ở loại hình nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư cao cấp và đất nền.
——————-
Hãy follow và ấn theo dõi các nền tảng Rich Nguyen Academy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị:
- Youtube : RICH NGUYEN
- Fanpage : Rich Nguyen Academy
- Facebook diễn giả: Rich Nguyen
ĐỪNG BỎ LỠ