Việc siết chặt tín dụng không chỉ khiến ngân hàng hay giới địa ốc “đau đầu” mà không ít doanh nghiệp xây dựng lo lắng do thiếu nguồn cung và co hẹp thị trường kinh doanh.
Các “Ông lớn” nhà thầu lo lắng điều gì?
Siết chặt tín dụng vào BĐS là vấn đề đang rất “nóng” không chỉ người mua nhà, doanh nghiệp địa ốc mà còn khiến không ít các doanh nghiệp ngành khác cũng phấp phỏng lo âu. Không ít doanh nghiệp ái ngại khi tín dụng BĐS bị siết lại kéo theo những tác động trực tiếp – gián tiếp đến ngành mình đang hoạt động.
Lãnh đạo của một số doanh nghiệp xây dựng cho biết, năm 2022 sẽ là một năm đầy khó khăn với ngành này khi các chi phí xây dựng và nguyên vật liệu đều tăng cao. Thêm vào đó là việc siết tín dụng dẫn đến nguồn cung dự án bất động sản bị co lại và cơ hội tìm kiếm dự án ngày càng khó.
Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu – Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết: động thái siết vốn tín dụng không chỉ làm ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS mà còn ảnh hưởng cả ngành xây dựng, khi nguồn cung BĐS giảm sút. Ngoài ra việc này còn tác động đến một số ngành khác như: sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp, du lịch…
Cụ thể, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, bất động sản là một trong những ngành quan trọng, chiếm 14% GDP và tác động trực tiếp – gián tiếp đến khoảng 40 lĩnh vực khác. Nếu phản ánh quá gay gắt với thị trường này thì đương nhiên sẽ “lây” sang các ngành và lĩnh vực khác.
“Ví dụ như bất động sản nghỉ dưỡng cũng có sự liên quan đến du lịch hoặc BĐS công nghiệp liên quan tới đầu vào sản xuất cho nhiều ngành khác”, ông Hiệp có nhiều lo ngại khi ngành kinh tế bị ảnh hưởng, tê liệt theo.
“Nếu siết thì nên siết theo hướng có chọn lọc, tức là những dự án nào hiệu quả thì vẫn phải làm chứ không thể tạm dừng hoặc phản ứng cực đoan. Tuy nhiên cũng phải siết chặt những dự án không mang lại hiệu quả, khó có khả năng xoay vòng vốn và trả nợ. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng cảnh báo cần thiết. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cần có những hướng dẫn cụ thể để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn”, ông Hiệp đưa ra quan điểm.
Cũng theo ông Hiệp, 15-20% vốn tín dụng vào BĐS trên tổng dư nợ vẫn là con số nằm trong vùng an toàn. Với những dự án mang lại hiệu quả, doanh nghiệp uy tín cao vẫn nên cho làm.
Nhiều nhà thầu sẽ bị ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh?
Trong báo cáo thường niên vừa được công bố, lãnh đạo Tổng công ty CP Vinaconex đã cho biết, chủ trương kiểm soát tăng trưởng tín dụng cho những dự án BĐS cộng thêm xu thế tăng lãi suất cho vay của các ngân hàng TM và tổ chức tín dụng cũng sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Vinaconex.
Trong khi đó, mức độ cạnh tranh ngành này thường rất cao. “Đối với hoạt động xây dựng, Tổng công ty cần phải lựa chọn chủ đầu tư có nguồn vốn tốt, nhà cung cấp và các nhà thầu phải đủ năng lực đảm bảo tiến độ, như vậy mới thực sự mang lại hiệu quả”, lãnh đạo của Vinaconex nhấn mạnh.
Thời gian qua việc siết tín dụng vào thị trường BĐS cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia. Nhiều chuyên gia đồng tình việc siết chặt tín dụng, nhưng siết như thế nào, với dự án và các doanh nghiệp nào thì cần làm rõ.
Theo Giám đốc Savills Việt Nam – Ông Sử Ngọc Khương, hiện nay, thị trường BĐS đang chịu nhiều áp lực bởi loạt yếu tố như tăng chi phí đầu vào, nguồn vốn (bao gồm cả trái phiếu, tín dụng) bị siết chặt. Những yếu tố này có thể khiến cho thị trường BĐS hoạt động chậm lại trong ngắn hạn.
Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, tình trạng sốt đất vừa qua nguyên nhân chính là do nguồn vốn nhàn rỗi của người dân khi trải qua những khó khăn của dịch Covid, làm ăn không đạt được hiệu quả như mong đợi. Do vậy, giải pháp siết chặt tín dụng ngân hàng vào thị trường bất động sản nếu không cẩn trọng, không những không chặn được tình trạng sốt giá bất động sản mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến những người có nhu cầu mua ở thật, chứ không phải là đầu tư, đầu cơ.
Chưa kể, việc thiếu hụt nguồn cung của thị trường bất động sản diễn ra cùng lúc với việc nhiều nguồn vốn bị thắt lại khiến cho một số ngành nghề có liên quan khác như ngành vật liệu xây dựng, xây dựng, du lịch… gặp không ít khó khăn.
ĐỪNG BỎ LỠ